Cuộc đời trắc trở của giọng ca huyền thoại 'La Vie En Rose'

17:09 | 20/12/2016;
nữ ca sĩ huyền thoại được mệnh danh là ‘chim sẻ nhỏ’ của nước Pháp. Cuộc đời bà là tấm gương nghị lực phi thường vượt lên số phận, từ một cô gái nghèo phải đi hát rong để kiếm sống trở thành ca sĩ lừng danh thế giới.

Edith Piaf sinh ngày 19/12/1915 tại Bệnh viện Tenon, quận 20, Paris, tên thật là Edith Giovanna Gassion. Sinh ra trong thời kỳ chiến tranh nên bố mẹ bà đặt tên con là Edith để tưởng nhớ nữ y tá người Anh Edith Cavel -một nữ anh hùng bị quân Đức xử bắn vì đã cứu cả trăm binh lính đồng minh trong Thế chiến thứ nhất.

Thuở bé, bố của Edith sống bằng nghề biểu diễn xiếc ngoài đường phố, còn mẹ là người hát dạo không quan tâm gì đến con nên Edith được gửi gắm cho bà ngoại - một phụ nữ nát rượu. Ở với bà ngoại, cô bé phải sống trong điều kiện tồi tệ. Edith bị bỏ bê trong đói khát và dơ bẩn trong 18 tháng mới được bố giải thoát rồi đem về gửi cho bà nội - một chủ nhà chứa ở Normandie - trước khi ông nhập ngũ. Chính các cô gái làng chơi ở đây đã yêu thương và chăm sóc Edith, giúp em dần dần khôi phục sức khỏe.

edith-piaf-nm-1936.jpg
 Huyền thoại âm nhạc Edith Piaf năm 1936.

Sau chiến tranh, bố Edith trở về và cùng cô bé bắt đầu cuộc sống nay đây mai đó, kiếm sống bằng nghề trình diễn trên các đường phố. Dần dà, Edith nhận ra chất giọng đặc biệt của mình. Năm 15 tuổi, Edith từ giã bố để bay nhảy với đôi cánh riêng của mình. Bà chọn khu Belleville và Pigale để hát dạo.

Năm 17 tuổi, Edith gặp người đàn ông đầu tiên trong đời và sinh được một người con gái nhưng 2 năm sau, đứa bé qua đời vì viêm màng não. Người đàn ông đó cũng bỏ đi. 20 tuổi, Edith có cuộc sống nghèo đói, tinh thần suy sụp. Edith tiếp tục lang thang ca hát trên các khu phố. Buổi chiều định mệnh năm 1935, Louis Leplee, chủ phòng trà ca nhạc sang trọng Gerny's nằm trên đại lộ Champs Elysée, đi ngang qua và phát hiện được tài năng của Edith.

Louis Leplee nhận ngay ra rằng giọng ca tuyệt vời này không phải để hát trên đường phố mà là dưới ánh đèn màu nên đưa Edith về hát tại phòng trà của mình. Ông đặt cho Edith nghệ danh ‘la Môme Piaf’ có nghĩa là ‘chim sẻ nhỏ’, xuất phát từ vóc dáng mảnh khảnh, nhỏ bé chỉ cao 1,47, của Edith. Ông cũng yêu cầu Edith mặc toàn đồ đen khi lên hát. Đây là hình ảnh độc đáo theo bà suốt cuộc đời ca hát của mình.

Con mắt tinh đời của Leplée đã không phụ ông. Giọng ca của "chim sẻ nhỏ" đã chinh phục được khách của Gerny's. Chẳng mấy chốc, cả Paris đổ xô về đấy để tán thưởng một tài năng vừa mới được khám phá. Trên đà thành công của Edith, Leplee quyết định giúp bà thu âm đĩa hát 78 vòng đầu tiên vào tháng 2/1936.

3.jpg
 Cuộc đời trải qua nhiều biến cố, vất vả từ khi còn bé nhưng không thể ngăn được tình yêu mà Edith Piaf dành cho âm nhạc.

Một sự việc bất ngờ xảy đến khiến sự nghiệp của Edith vừa lóe sáng đã gặp sự cố. Tháng 4/1936, Louis Leplée bị giết tại nhà riêng, Edith bị nghi có dính líu. Bà bị cảnh sát thẩm vấn, báo chí công kích. Người ta tẩy chay bà dù vụ án sau đó không được làm sáng tỏ. Bà phải từ bỏ Gerny's và có nguy cơ trở lại với đường phố. Trong lúc khó khăn này, một người bạn của Edith là nhạc sĩ Raymond Asso đã giúp bà tìm chỗ trình diễn và rèn luyện kỹ năng ca hát để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.

Năm 1937, Edith được nhận vào nhà hát ABC và ngay lập tức tỏa sáng ở đây. Raymond Asso đề nghị bà đổi nghệ danh thành Edith Piaf, cái tên sau này theo bà suốt đời. Sau thành công ở ABC, Edith còn biểu diễn ở nhà hát Bobino, tham gia đóng kịch, đóng phim. Cả 2 lĩnh vực, bà đều gặt hái thành công.

Đến tuổi 30, Edith Piaf đã vững vàng trong sự nghiệp nhưng không quên bước khởi đầu gian nan của mình nên nghĩ tới việc giúp đỡ những nghệ sĩ trẻ mới vào nghề. Mùa hè 1944, bà gặp Yves Montand, người chỉ làm nhiệm vụ hát mở màn cho những tiết mục của bà ở Moulin Rouge. Bà đã hướng dẫn, giúp đỡ mọi mặt cho Yves. Bà đề nghị Henri Cortet, nhạc sĩ chuyên viết bài hát cho bà, sáng tác nhiều bài riêng cho Yves. Chính Edith cũng viết dành riêng cho Yves nhạc phẩm 'La vie en rose' (Cuộc đời màu hồng, 1945), sau này trở thành một trong những bản nhạc của mọi thời đại.

huyn-thoi-m-nhc-edith-piaf.jpg
 Từ một cô bé hát rong, biểu diễn ngoài đường phố, Edith trở thành ca sĩ trứ danh của nền âm nhạc Pháp và thế giới.

Cũng thời gian này, Edith làm quen với nhóm ca sĩ trẻ Les Compagnons de la chanson, chuyên trình diễn những giai điệu cổ có âm hưởng dân ca. Edith khích lệ nhóm chuyển sang loại nhạc trẻ trung hơn, đề nghị ghi âm chung bài 'Les trois cloches' (3 quả chuông) của nhạc sĩ Thụy Sĩ Jean Villard. Thành công vang dội rất bất ngờ, bà bán được cả triệu đĩa. Edith quyết định đưa nhóm cùng sang Mỹ trong chuyến lưu diễn đầu tiên vào năm 1947. Chuyến đi này là một dấu mốc mới trong cuộc đời và sự nghiệp của Edith Piaf.

Ban đầu, những buổi trình diễn đầu tiên của bà trong các phòng trà ca nhạc ở New York (Mỹ) chưa được khán giả chú ý mấy. Định quay trở về châu Âu thì tình cờ bà đọc được một bài phê bình với lời lẽ khích lệ đặc biệt trên một nhật báo lớn khiến bà thay đổi ý định. Edith ký hợp đồng hát một tuần cho Café Versailles, một phòng trà khá nổi tiếng ở Manhattan. Chính nơi đây, Edith mới được khán giả Mỹ công nhận nên tiếp tục cộng tác đến 4 tháng và sau này còn trở lại nhiều lần. Danh tiếng của Edith nhanh chóng lan tỏa. Nhiều nhạc sĩ cầu cạnh để bà hát ca khúc của họ. ‘Tôi không còn phải tìm đến các nhạc sĩ nữa mà họ tìm đến tôi’ - Edith từng hãnh diện nói.

Cũng tại Mỹ, bà gặp và yêu say đắm Marcel Cerdan, một võ sĩ quyền Anh vô địch thế giới. Tuy hai người hoạt động trong hai lĩnh vực khác nhau nhưng tình yêu giữa ‘ông vua đấm bốc và hoàng hậu ca sĩ’ vẫn được báo chí xem là mối tình lãng mạn nổi tiếng nhất thế kỷ. Tuy vậy, chỉ một năm sau, ngày 28/10/1949, Marcel thiệt mạng trong một tai nạn máy bay khi đi từ Paris sang New York thăm người tình. Vào hôm đó, Edith có chương trình biểu diễn. Khóc suốt ngày, đến đêm, ‘chim sẻ nhỏ’ lại nghị lực phi thường bước ra sân khấu. Hát đến bài thứ 6 thì Edith bật khóc rồi ngất xỉu. Đó là bài 'Le chant d'amour' (Ca khúc tình yêu). Nỗi đau này đã khiến bà triền miên suy sụp tinh thần cho đến cuối đời.

Đáng buồn là từ sau năm 1951, Edith bị tai nạn ô tô 3 lần. Những cơn đau khiến bà phải sống lệ thuộc vào thuốc giảm đau và rượu, dẫn tới việc sức khỏe bị suy giảm. Năm 1952, bà kết hôn với ca nhạc sĩ nổi tiếng Jacques Pills. Dù bị rượu và morphin tàn phá, thời gian này Edith bước lên tuyệt đỉnh vinh quang nghệ thuật, các đĩa hát hay các buổi trình diễn đều thành công ngoại hạng. Rồi bà lại đi lưu diễn dọc ngang nước Mỹ với chương trình dày đặc và kết thúc ở New York đầu năm 1956 với buổi trình diễn 22 bài tại thính phòng Carnegie Hall. 10.000 ghế ngồi chật kín khán giả.

cuc-i-ca-edith-piaf-v-giai-thoi-lch-s-ca-la-vie-en-rose-tng-c-a-ln-mn-nh-rng-vo-nm-2007.jpg
 Cuộc đời của Edith Piaf và giai thoại lịch sử của 'La Vie En Rose' từng được đưa lên màn ảnh rộng vào năm 2007.

Năm 1961, Edith nhận giải đĩa hát của Viện hàn lâm Charles Cros cho cho những thành công trong sự nghiệp. Bà bắt đầu một loạt biểu diễn tại nhà hát Olympia Paris mặc những lời can ngăn của bác sĩ và người thân lo ngại cho sức khỏe chỉ vì lời hứa với giám đốc nhà hát, nhằm cứu cơ sở này đang lâm vào tình trạng hầu như phá sản.

Ngày 25/9/1962, nhân ra mắt bộ phim 'Le jour le plus long' (Ngày dài nhất), bà đã hát từ tầng 1 của tháp Eiffel với độ cao 57m cho 25.000 khán giả ngưỡng mộ. Bài hát kết thúc trong ánh sáng muôn màu của hàng ngàn pháo hoa rực sáng cả vùng trời bên bờ sông Seine.

Edith Piaf qua đời ngày 10/10/1963 sau một thời gian hôn mê. Công chúng đặc biệt yêu quý và thương tiếc bà. Đường phố Paris đã tắc cứng do hàng chục ngàn người đổ xuống đường tiễn biệt bà về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Père La Lachaise.

Trong cuộc đời mình, Edith Piaf viết lời khoảng 80 bản nhạc, đóng nhiều phim và kịch. Nhiều tác phẩm kịch nghệ và điện ảnh đã được thực hiện để vinh danh cuộc đời và những tác phẩm để đời của Édith Piaf, trong đó không thể không nhắc tới bài hát 'La vie en rose' (Cuộc đời màu hồng). Cho đến nay, hơn 30 nghệ sĩ lừng danh thế giới từng thể hiện ca khúc này. Cuộc đời bà cũng được mô tả đầy đủ và trung thực trong bộ phim 'La vie en rose' năm 2007 của đạo diễn Pháp Olivier Dahan.

trin-lm-nh-edith-piaf-ti-th-vin-quc-gia-paris-php.jpg
 Triển lãm ảnh Edith Piaf tại Thư viện Quốc gia ở Paris (Pháp)

Để tưởng nhớ những đóng góp của bà, Viện bảo tàng Edith Piaf tại đường Crespin du Gast, quận 11, Paris, nơi trưng bày đầy đủ những kỷ vật lưu niệm của ‘chim sẻ nhỏ’ và quảng trường Edith Piaf, gần bệnh viện Tenon, nơi bà chào đời, đã được xây dựng. Đến tận hôm nay, đây là 2 địa chỉ mà đông đảo tín đồ âm nhạc say mê giọng hát của Edith Piaf vẫn thường xuyên ghé thăm.

Dù bạn có biết tiếng Pháp hay không cũng hãy một lần thử nghe các bản ballad của bà như La Vie En Rose, Hymne àl'amour, Milord, Non, Jen ne regretted rien, Padam... Padam, La Foule… để hiểu tại sao Edith Piaf lại trở thành một nghệ sĩ vĩ đại trong lịch sử âm nhạc thế giới.

Mời các bạn cùng nghe bản tình ca trứ danh 'La Vie En Rose' (Cuộc đời màu hồng) của danh ca huyền thoại Edith Piaf:

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn