Cuộc đời và sự nghiệp cay đắng của nữ nhà văn nổi tiếng

18:07 | 01/02/2018;
Nhà văn Zora Neale Hurston là gương mặt tiêu biểu của thời kỳ phục hưng Harlem bắt đầu từ thập niên 1900 đến đầu thập niên 1930 ở thành phố New York (Mỹ). Bà còn là một nhà nghiên cứu văn học dân gian và nhà nhân chủng học nổi tiếng.

Đó là thời kỳ hàng loạt nghệ sĩ lớn gốc Phi đột ngột xuất hiện với sức sáng tạo đáng kinh ngạc trong rất nhiều loại hình nghệ thuật, từ âm nhạc, văn chương, đến điêu khắc, múa, sân khấu và điện ảnh. Thủ đô của trào lưu nghệ thuật này là khu Harlem, khu phố nghèo của New York, nơi cư trú của rất nhiều người da đen, vì thế có tên là Thời kỳ phục hưng Harlem.

Zora Neale Hurston sinh ngày 7/1/1891 tại Notasulga, Alabama. Nơi sinh của bà là chủ đề của một số cuộc tranh luận kể từ khi Hurston viết trong tự truyện của mình rằng Eatonville, Florida mới là nơi bà sinh ra. Tuy nhiên, theo nhiều thông tin, có lẽ Hurston đã không có ký ức về Notasulga bởi bà đã chuyển đến Florida từ khi còn rất nhỏ.

Hurston là con gái của hai cựu nô lệ. Cha của bà, ông John Hurston là một mục sư. Sau cái chết của người mẹ, bà Lucy Ann Hurston năm 1904, cha bà tái hôn. Hurston sống cùng với các anh chị em khác trong gia đình vài năm trước khi bà ra sống tự lập.

Nhà văn Zora Neale Hurston.

Để có tiền đi học, Hurston đã làm nhiều công việc khác nhau không nề hà vất vả. Năm 1920, bà lấy bằng đại học từ trường Howard, nơi đã xuất bản một trong những tác phẩm đầu tiên của bà trong tờ báo của trường.

Sau đó, Hurston chuyển đến khu phố Harlem của thành phố New York trong những năm 1920 và trở thành một hiện tượng nơi đây. Căn hộ nơi bà ở trở thành địa điểm hội họp thường xuyên của các nhà văn. Hurston đã cùng với Langston Hughes và Countee Cullen cho ra đời một tạp chí văn học có tên là Fire.

Cùng với niềm đam mê và năng khiếu văn chương của mình, Hurston đã giành được học bổng tại trường Barnard College, nơi bà theo đuổi một đề tài về nhân học. Bà còn khẳng định sự ảnh hưởng mạnh mẽ của mình trong văn học với những bài báo cáo, phân tích chính xác về người Mỹ gốc Phi. Một trong những truyện ngắn nổi tiếng của bà, "Sweat" (1926), viết về thái độ, cách cư xử của một người phụ nữ với người chồng không chung thủy.

Hurtson cũng thu hút sự chú ý của độc giả với tự truyện "How It Feels to be Colored Me" (1928), trong đó bà đã kể lại thời thơ ấu của mình cùng sự dịch chuyển đến khu vực của người da trắng. Ngoài ra, Hurston còn viết bài cho nhiều tạp chí, bao gồm Tạp chí văn học dân gian Mỹ.

Hurston xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của bà có tên là Jonah's Gourd Vine năm 1934. Như những tác phẩm nổi tiếng khác của bà, cuốn sách kể câu chuyện về kinh nghiệm của người Mỹ gốc Phi, chỉ qua nhân vật một người đàn ông là mục sư khuyết tật John Buddy Pearson.

Sau khi quay trở lại Florida để thu thập những câu chuyện dân gian Phi-Mỹ vào cuối những năm 1920, Hurston tiếp tục xuất bản một tuyển tập những câu chuyện có tựa đề Mules and Men (1935). Năm 1942, bà xuất bản cuốn tự truyện của mình, "Dust Tracks on the Road", một tác phẩm cá nhân được các nhà phê bình đánh giá tốt.

Bà là nhà văn người Mỹ gốc Phi nổi tiếng những thập niên đầu thế kỷ XX.

Trong những năm 1930, Hurston còn khám phá nghệ thuật tạo hình thông qua một số dự án khác nhau. Bà đã làm việc với Hughes trong một vở kịch mang tên A Comedy of Negro Life. Tuy nhiên, sự tranh cãi về tác phẩm cuối cùng dẫn đến sự tan rã giữa hai người. Sau đó, bà đã viết nhiều vở kịch khác như The Great Day và From Sun to Sun…

Sau khi nhận được học bổng Guggenheim, Hurston đã tới Haiti và viết tác phẩm sau này đã trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của bà, đó là: Their Eyes Were Watching God (1937). Cuốn tiểu thuyết kể về câu chuyện của Janie Mae Crawford, người phụ nữ học được giá trị của sự tự lập thông qua bi kịch của những cuộc hôn nhân. Mặc dù ngày nay tác phẩm được đánh giá cao nhưng vào thời điểm đó, nó đã phải chịu những lời chỉ trích, đặc biệt từ những tác giả nam hàng đầu trong giới văn học Mỹ-Phi. Nhà văn Richard Wright, một trong số đó đã chê bai phong cách viết của Hurston trong tác phẩm này chỉ để thu hút độc giả da trắng.

Sau tất cả những thành công của mình, Hurston đã phải vật lộn về tài chính trong suốt thập niên cuối của cuộc đời. Bà vẫn tiếp tục viết nhưng vô cùng khó khăn trong việc tìm kiếm nơi xuất bản tác phẩm của mình.

Vài năm sau, Hurston đã trải qua một vài cơn đột quỵ và phải sống tại nhà phúc lợi. Nhà văn - nhà văn hóa dân gian nổi tiếng một thời đã qua đời trong nghèo khổ và cô đơn vào ngày 28/1/1960 và được an táng trong một ngôi mộ không có dấu ấn ở Fort Pierce, Florida.

Nữ văn sĩ qua đời trong nghèo khổ và cô đơn khi danh tiếng chưa được biết đến.

Hơn một thập kỷ sau cái chết của bà, Alice Walker - một tài năng lớn đã  làm hồi sinh những tác phẩm của bà qua một bài viết về Hurston trong tiểu luận "Tìm kiếm Zora Neale Hurston" xuất bản trên tạp chí Mrs năm 1975. Bài viết của Walker đã giới thiệu Hurston đến một thế hệ độc giả mới và khuyến khích các nhà xuất bản in các ấn bản mới những tác phẩm của bà. Ngoài Walker, Hurston còn có ảnh hưởng lớn đến Gayl Jones và Ralph Ellison số các nhà văn khác.

Cuốn tiểu sử nổi tiếng Zora Neale Hurston của Robert Hemenway ra đời năm 1977 tiếp tục hâm nóng sự quan tâm của công chúng đến một nhà văn vĩ đại bị lãng quên.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn