Từ ngày đi học đến nay, Lê Bảo Khuê (học sinh lớp 10, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) luôn đặt mục tiêu phải đứng vị trí số 1 của lớp. Khi học tiểu học, Bảo Khuê không khó để đạt được vị trí đó. Nhưng từ khi bước vào lớp 6, sự cạnh tranh của các bạn học giỏi trong lớp rất khốc liệt, Bảo Khuê phải nỗ lực rất nhiều mới trụ được vị trí đứng đầu.
Chia sẻ về sự cố gắng, nỗ lực của con, chị Nguyễn Thu Bình (mẹ của Bảo Khuê) cho biết: Ngoài giờ học trên lớp và đi học thêm, thời gian còn lại, Bảo Khuê nhốt mình trong phòng để… học bài.
Đến bữa ăn, bố mẹ giục mãi mà con vẫn không chịu rời khỏi bàn học nếu đang làm dở một bài toán khó, hay làm chưa xong bài môn tiếng Anh. Bảo Khuê rất biết tiếc thời gian. Thỉnh thoảng, cuối tuần, bố mẹ muốn rủ con đi ngắm phố phường, đi mua sắm nhưng con đều từ chối.
Con nói, con "ăn không ngon, ngủ không yên" nếu có bạn nào "nhăm nhe" vị trí số 1 của con. Nhìn thấy con tự tạo áp lực cho bản thân, chị Bình cũng không biết làm thế nào để con hạ mục tiêu của mình xuống.
Lý giải về việc con luôn phấn đấu để giữ vị trí số 1 trong lớp, theo chị Bình, khi con còn bé, chị luôn kể với con về tấm gương con của bác, con của đồng nghiệp đạt giải nọ, giải kia. Khi lớn hơn, con ngưỡng mộ những học sinh tài năng và từ đó, con đặt mình vào "cuộc đua không có vạch đích"- cuộc đua với chính mình.
"Cuộc đua không có vạch đích" của Nguyễn Minh Loan, một nhân viên tổ chức sự kiện ở quận Bình Tân, TPHCM, vẫn chưa kết thúc khi cô ở tuổi 28. Ngày nào Minh Loan cũng thức đêm để làm việc. Cô thường xuyên đối mặt với "deadline" khi làm 2-3 việc cùng lúc.
"Em thường xuyên làm thông trưa, thậm chí làm thông tối, thường xuyên vừa phải "gặm" bánh mì vừa làm việc. Công việc vất vả nhưng những thành tựu từ sự nỗ lực của em cũng rất xứng đáng.
Thu nhập của em cao gấp đôi, gấp ba năm trước. Em cũng vừa kịp mua trả góp một căn chung cư xinh xắn. Đặc biệt, em khẳng định được bản thân và có tiếng trong ngành. Chắc chắn, em sẽ cố gắng hơn nữa để thành công hơn nữa, có cuộc sống mà nhiều người mơ ước", Minh Loan chia sẻ.
Giống như Bảo Khuê và Minh Loan, nhiều "gen Z" mang trong mình áp lực hoàn hảo. Áp lực này đã "bào mòn" đến mức khiến họ kiệt sức. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Trường ĐH Văn Lang (TPHCM), cho biết, sở dĩ nhiều "gen Z" gặp áp lực như vậy là vì họ đang đặt bản thân lên "bàn cân" so sánh với người khác.
Các bạn dùng tiêu chuẩn, hệ giá trị của người xung quanh để đánh giá bản thân đã thành công hay chưa. Nếu không đạt được những mong đợi, các bạn dễ chán nản, mất động lực trong cuộc sống.
"Hơn ai hết, bạn phải hiểu bản thân mình thật rõ mới không chạy theo những giá trị xa rời thực tế. Bạn biết hài lòng với những mục tiêu của chính mình, biết hạnh phúc với những nỗ lực của bản thân mỗi ngày", Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn