Cuộc đua vào 10, 'dê vàng' chịu áp lực từ giáo viên

09:56 | 19/04/2018;
Thời điểm này, những “dê vàng” Hà Nội (sinh năm 2003) đang căng mình học để đua vào lớp 10. Áp lực từ xã hội, từ bố mẹ, người thân, từ chính các em đã là rất lớn. Và áp lực còn nặng nề hơn, khi chính nhiều thầy cô cũng đặt nặng yếu tố thành tích lên đôi vai nhỏ bé, non nớt của các em.
con-mt-mi.jpg
Học sinh Hà Nội mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc đua chạy vào lớp 10. Ảnh minh họa

Có con đang học lớp 9 ở trường THCS Trưng Nhị (Hà Nội), chị Đỗ Thị Huyền (Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết, suốt cả năm học này, cuộc sống của gia đình chị như bị đảo lộn. Không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng vì ai cũng quá mệt mỏi với lịch học dày sin sít của con, khi bữa cơm đã bị chuyển từ 7g tối xuống 9g tối, khi con hầu như không thể xuất hiện nổi tiếng cười

Con học chính khóa tất cả các buổi sáng trong tuần, học buổi thứ hai tại trường vào tất cả các buổi chiều. Vừa tan trường, con ăn qua quýt cái gì rồi trèo lên xe mẹ đưa đến lớp học thêm. 3 buổi học thêm Toán, 1 buổi học thêm Văn vào các buổi tối, 2 buổi học thêm ngoại ngữ vào chủ nhật, cô con gái lớp 9 của chị Huyền gần như không có chút thời gian nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng. “Nhìn các con lúc nào cũng sống trong mệt mỏi, lo âu mà thương. Cả năm lớp 9 này, con không có niềm vui nào mà suốt ngày chỉ biết vùi đầu vào học. Con mệt mỏi đến mức về đến nhà là “tu” ngay lon bia cho đỡ háo, đỡ khát. Trong túi con, ngoài sách vở thì  thường trực là lon cà phê pha sẵn bởi con thường xuyên buồn ngủ. Chính vì vậy mà bố mẹ không dám gây áp lực cho các con mà luôn phải dịu dàng, nhẹ nhàng để “nâng niu” tinh thần các con, để các con được tiếp sức trong những ngày học căng thẳng này”, chị Huyền chia sẻ.

hs-thieu-ngu.jpg
Ở thời điểm nước rút này, nhiều học sinh thiếu ngủ trầm trọng. Ảnh minh họa

Bố mẹ không gây áp lực không có nghĩa là con được thoải mái, thong dong mà các con phải chịu áp lực rất lớn từ giáo viên của mình. Chị Huyền cho biết, con gái chị và các bạn trong lớp lúc nào cũng căng thẳng khi suốt ngày bị cô giáo giục giã, dồn ép. Sự lo lắng của cô bao trùm khắp lớp học khi cô thường xuyên ra rả: Lười như thế này thì thi thố cái gì… Và học sinh nào không thuộc bài, học sinh nào nghỉ học thì sẽ phải nghe “bài ca bất tận” của cô: Lại trốn đi chơi à, lười học như thế thì thi cử kiểu gì? Áp lực từ thầy cô giáo khiến các em vô cùng căng thẳng!

Những học sinh chưa thuộc bài sẽ bị cô “ốp” bằng cách bắt ở lại lớp buổi trưa để học và yêu cầu bạn học sinh giỏi ở lại kèm, cô sẽ gọi cơm cho ăn. Luôn luôn với tinh thần lo lắng cho các con quá mức như vậy nên khiến học sinh lúc nào cũng phải giữ dây cót ở mức cao nhất, khiến học sinh không được phép lơ là kể cả trong những lúc mệt mỏi nhất.

Chị Huyền cho biết, có lần không thuộc bài, con gái chị bị cô mắng ở lớp. Chỉ vậy thôi nhưng khiến đứa trẻ đang ở tuổi nhạy cảm suy sụp tinh thần. Cả buổi trưa hôm đó, con chị buồn bã, nhịn đói, đi lang thang trong vô định. Nhìn mặt con “phồng lên như quả bóng” chỉ trực vỡ òa mà chị thương đến đứt lòng. Chiều hôm đó, chị đã cho con nghỉ học một buổi để đưa con đi chơi, để con quên đi nỗi ấm ức trong lòng. “Điều tôi lo sợ nhất là trong thời điểm căng thẳng này, nếu con bị mất tinh thần thì dễ nghĩ đến những điều tiêu cực. Có con thi lớp 10, bố mẹ đứng đằng sau mà tâm trạng lúc nào cũng “căng như dây đàn”. Con mỏi mệt, bố mẹ âu lo!”, chị Huyền chia sẻ.

 

 

 

 

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn