Cuộc đua vào lớp 10 chuyên: Giải tỏa áp lực cho cả con và mẹ

09:54 | 24/04/2018;
Thi vào lớp 10 vốn đã có tiếng căng thẳng, với lớp 10 chuyên lại càng khốc liệt hơn. Áp lực thi cử đã nặng nề với sĩ tử thì cha mẹ cần làm gì và ở đâu trong cuộc đua này cùng con? Đây vẫn luôn là câu chuyện nhiều trăn trở với các phụ huynh.

"Con không quay đầu được nữa!”

Chị Mai Ngọc Lan là Giám đốc một nhãn hàng thực phẩm chức năng nổi tiếng của Mỹ tại Hà Nội. Cực kỳ bận rộn trên thương trường nhưng khi trở về mái ấm thân yêu của mình cùng hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, chị vẫn là một người mẹ mang nhiều lo lắng rất bản năng, như bao người mẹ khác.

Khi kể câu chuyện “đua” cùng con gái đầu vào lớp 10, giọng chị không giấu vẻ lo lắng, băn khoăn. Nỗi băn khoăn ấy không mang tên “con phải thi đỗ vào trường A, B thuộc tốp đầu” hay “chắc chắn con sẽ đỗ vào trường nọ, trường kia”, mà đơn giản là lo cô con gái nhỏ đang nghĩ gì, có sợ hãi không, cơm có ăn được tròn bữa không.

mai-lan.jpg
Chị Mai Ngọc Lan cùng con. Ảnh: NVCC 

“Từ học kỳ II, con gái tôi bắt đầu tăng tốc với 5 buổi học thêm tại trường và nhà riêng của thầy giáo, gồm 2 buổi tiếng Anh, 1 buổi toán và 1 buổi văn. Bố mẹ quá bận rộn, không thể kham nổi việc đưa đón nên phải bố trí một nhân lực chuyên đón đưa con di chuyển từ trường tới mỗi địa điểm học. Chuyên ngữ là mục tiêu của con, sau rất nhiều thời gian băn khoăn giữa trường này và trường Ams!”, chị Lan kể.

Việc cân nhắc giữa chuyên Hà Nội-Amsterdam và Chuyên ngữ được chị Lan “mổ xé” rất kỹ với con. Mặc dù con gái “mê mẩn” trường Ams nhưng chị phân tích, thi vào Ams thường làm bài theo dạng tự luận, trong khi thi vào Chuyên ngữ lại thi trắc nghiệm. Chị không muốn con luyện cả hai kiểu để thi cả hai trường vì sợ con quá sức nên khuyên con chỉ nên chọn một trong hai.

“Tôi từng học Chuyên ngữ nên thực lòng mà nói rất thích con tôi học tại đây, vì cá nhân tôi thấy môi trường học rất ổn. Nhưng tôi không ép con mà chỉ nêu lên lợi thế từng trường, cho con thời gian để tìm hiểu về cả hai ngôi trường và suy nghĩ trước khi quyết định. Cuối cùng, thật vui là cô bé chọn Chuyên ngữ để thi!”, chị cho biết.

Tôi hỏi, có vẻ như con chị học lực rất tốt nên dường như cô bé không cảm thấy lo lắng, ngược lại khá tự tin? Chị cười xòa, sao lại không lo được chứ! Con thường chia sẻ với mẹ rằng "nếu không đỗ, con không biết đi đâu về đâu nữa".

“Những lúc như vậy, tôi bảo với con, đỗ thì tốt, không thì thôi lại học dân lập. Con nói với tôi, con không quay đầu được nữa rồi, mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm và đã theo guồng rồi, con phải đỗ. Hóa ra, chính con áp lực hơn tôi, và đặt mục tiêu cao hơn bố mẹ. Tôi phải tìm cách để giảm áp lực của bạn ấy lại!”, chị tiếp tục kể.

Những cặp lồng cơm mẹ nấu

Để cùng con chạy theo lịch trình này, dù bận rộn đến mấy, buổi sáng chị Ngọc Lan vẫn dậy từ rất sớm, nấu cơm và nhiều món ăn ngon rồi mang lên cơ quan. Những cặp lồng cơm ngon lành này không phải dành cho chị mà là cho con gái.

“Từ trường, con tới lớp học thêm luôn, không có thời gian vòng về nhà. Có những hôm con ăn vạ vật cả ngày ngoài đường. Tôi thấy không ổn, ít nhất phải có một bữa cơm con ăn đàng hoàng nên tôi nấu từ sáng, đến chiều vi sóng lại rồi nhờ người chuyên đưa đón con mang đến cho con ăn trước khi đi học thêm. Hôm nào mẹ phải đi công tác thì con mới ăn nhẹ, rồi về nhà ăn cơm tối ở nhà”, nữ phụ huynh tâm sự.

mai-lan2.jpg
Bận rộn đến mấy, chị Lan vẫn dành nhiều thời gian cho con trong giai đoạn quan trọng này. Ảnh: NVCC

Chị kể, bản thân biết nhiều phụ huynh dù vẫn nói là không ép con học nhưng thực chất họ vẫn tạo áp lực rất lớn cho con. “Các con đang ở tuổi chưa hoàn toàn nhận thức rõ là phải thế này, thế kia. Đây là lúc bố mẹ ở bên để định hướng cho con và khơi gợi cho con động lực, thay vì tự mình đặt ra mục tiêu nhiều khi quá với sức con.

“Con gái tôi vì vậy vẫn chỉ học đến 11h đêm, sáng dậy 6h15, rất điều độ giờ giấc, không quá nhiều những hôm thức trắng đêm để học. Thời điểm này đã phải xong hết phông nền kiến thức rồi, chỉ rèn kỹ năng làm bài thôi nên có cố nhồi thêm, tôi nghĩ cũng không hiệu quả nhiều. Quan trọng là phải tạo tâm lý thoải mái cho con trước khi vào phòng thi”, chị Lan quan niệm.

Để giảm bớt áp lực vào cuộc đua mang tên “lớp 10 chuyên”, người mẹ này nỗ lực cân bằng cho con như thay vì học thêm thứ 7, Chủ nhật như trước, từ học kỳ II của con, chị xếp lịch học thêm cho con vào các ngày trong tuần, tránh học vào cuối tuần để con có thời gian nghỉ ngơi, lên phố, đi cà phê hay ăn uống với gia đình. Điều này rất quan trọng để giúp con tái tạo năng lượng.

“Lúc nào con quá mệt, tôi cho con nghỉ học thêm, ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe hẳn rồi đi học lại. Giúp con thoải mái nhất có thể, hạn chế việc học căng thẳng bởi càng học nhiều, càng căng thẳng, vào phòng thi con càng run và làm bài sẽ không hiệu quả”, người mẹ này chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn