Cuộc gặp gỡ thú vị giữa các nhà sưu tập 'phong lưu' tại Sài Gòn

12:11 | 26/03/2018;
Tại buổi giao lưu chủ đề "Sưu tập - Thú chơi của người phong lưu" vừa diễn ra tại đường sách Sài Gòn, các nhà sưu tập uy tín như LS Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Đức Huyên, Trần Hoài Thơ đã có những chia sẻ về các bộ sưu tập quý giá.
img_8786.JPG
Buổi giao lưu diễn ra trong không khí cởi mở, thân tình. Ảnh: Mễ Thuận
Triển lãm "Sưu tập - Thú chơi của người phong lưu" đang diễn ra tại đường sách, nhà sưu tập Nguyễn Đức Huyên (Huyên Nguyễn) đã mang đến câu chuyện thú vị xoay quanh niềm đam mê cùng thú vui sưu tập gốm, đặc biệt là dòng gốm Thành Lễ - ra đời từ khoảng năm 1950. Theo anh, gốm Thành Lễ là sự kết tinh trong bối cảnh chung của nghệ thuật tạp hình Việt Nam. Đây là giai đoạn art-décor mang tính hình tượng dân tộc rất cao. Bên cạnh đó hiện vật gốm tiêu biểu cho xu thế này lại rất giàu nhạc tính, sự thi vị, lãng mạn. Một tác phẩm tiêu biểu cho là bức phù điêu "Thiếu nữ đàn tranh".
thieu-nu.JPG
Tác phẩm phù điêu trên gốm Thanh Lễ "Thiếu nữ đàn tranh". Ảnh: Mễ Thuận
Các hình tượng mỹ thuật đồng thời vẫn chứa đựng chất cổ truyền của người Việt Nam bằng việc miêu tả các phong tục, tập quán, đất lề quê thói, tinh thần cần cù và những nét đẹp gần gũi như hình tượng chiếc áo bà ba, áo dài, tạo hình hiện đại của thập niên 1960 mang đường nét dứt khoát với những hình khối zic zắc cũng là một hình tượng mỹ thuật khá ấn tượng được biểu hiện rất rõ nét qua các tác phẩm gốm.

Cùng nghe chia sẻ về dòng gốm Thanh Lễ của nhà sưu tập Nguyễn Đức Huyên (video: Mễ Thuận):


Nhà sưu tập Nguyễn Anh Tuấn mang đến cho công chúng những thông tin giá trị về những đầu sách có mặt trong triển lãm "Sưu tập - Thú chơi của người phong lưu". Mảng sưu tập sách xưa ở triển lãm này được trích xuất từ bộ sưu tập của nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Hoài Nam. Đó là những ấn phẩm được in từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của các tác giả như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của. Các tác phẩm này được ấn hành trong thời kì đầu của chữ Quốc ngữ nên đây là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu về chữ Quốc ngữ cũng như về văn hóa xã hội Việt Nam thời bấy giờ.
kim-van-kieu.JPG
Kim Vân Kiều tân bản được trưng bày tại triển lãm "Sưu tập - thú chơi của người phong lưu". Ảnh: Mễ Thuận
Đặc biệt, một cuốn sách quý không thể bỏ qua là ấn phẩm Kim Vân Kiều tân truyện được xuất bản những năm 1884-1885. Cuốn sách ẩn chứa những dấu ấn kỳ lạ về mặt thời gian và từng có mặt trong bộ sưu tập của cụ Vương Hồng Sển. Tình trạng sách hiện nay còn rất đẹp, cho thấy chất lượng giấy và kỹ thuật in thời điểm đó rất tiến bộ. Bộ sách gồm tới 3 cuốn của nhà Đông phương học Albel des Michels, trong đó có hai cuốn song ngữ Việt - Pháp và một cuốn chữ Nôm. Có thể nói bản tiếng Pháp của Kim Vân Kiều tân truyện xuất hiện tại Paris năm 1884 chính là dấu mốc lần đầu tiên Truyện Kiều của Nguyễn Du đã bước ra khỏi không gian văn hóa Việt Nam.

Nhà sưu tập Nguyễn Anh Tuấn nói về thú chơi sưu tập sách cổ (video: Mễ Thuận):


Trong khi đó, nhà sưu tập Trần Hoài Thơ lại có những chia sẻ dí dỏm, sinh động và lạ lẫm về hành trình sưu tập quạt cổ của mình. Mặc dù có rất nhiều hãng sản xuất quạt nổi tiếng thế giới như Éon, Calor của Pháp, hay Émi của Hà Lan nhưng Marelli của Ý vẫn được nhà sưu tập ưa chuộng nhất.
quat.JPG
Một sản phẩm quạt hiệu Marelli của Ý. Ảnh: Mễ Thuận
Theo nhà sưu tập này, Marilli của Ý đã du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỉ XIX, vì lúc đó trên tàu điện đã có vài chiếc sử dụng điện một chiều. Nhưng phải đến năm 1920 khi nhà máy điện Yên Phụ được người Pháp xây dựng thì dòng quạt này mới được du nhập ồ ạt ở Việt Nam. Quạt này gây thích thú với nhà sưu tập là nhờ cấu tạo đặc biệt của nó. Như thân được đúc bằng đồng, tay sắt, cánh gỗ và thân gang. Hơn nữa, quạt có độ tinh xảo và công phu đáng kinh ngạc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn