Tôi rất yêu ông ngoại, mặc dù không được sống cùng ông nhưng ngày nào tôi cũng được gặp ông qua điện thoại, lúc 8 giờ tối. Có lẽ vì biết bố mẹ tôi bận làm và tôi còn bận học cho nên ngày nào cũng thế, cứ đúng giờ ấy là ông gọi điện lên. Dĩ nhiên, người cầm điện thoại đầu tiên bao giờ cũng là tôi, bởi vì tối nào tôi cũng xem đồng hồ và chờ đợi.
Ông lắng nghe tận tình, chốc chốc lại đưa ra một lời khen, khích lệ hoặc chia sẻ động viên. Cuối cùng, bao giờ trước khi tạm biệt ông cũng hẹn tôi “cháu gái của ông ngoan, nghe lời bố mẹ, nghe lời cô giáo, con nhé!”.
Khi tôi còn bé, mùa hè là mùa đẹp nhất đời. Bởi vì tôi sẽ được về quê chơi, được gặp ông ngoại. Hè đối với tôi luôn là mùa của hạnh phúc. Ông sẽ đón tôi bằng cái ôm thật chặt khi tôi xuất hiện trước cổng nhà. Rồi ông sẽ nói “cho ông thơm cháu gái bé bỏng của ông một cái nào”. Còn tôi sẽ kiêu ngạo chìa những ngón tay nhỏ xíu của mình ra để ông thơm một cách hạnh phúc.
Tôi thích được ông ru ngủ nhất, ông ngoại tôi có giọng hát rất hay. Mỗi khi ông cất tiếng hát trầm ấm của mình lên tôi như lạc vào tưởng tượng. Mãi cho đến sau này tôi vẫn nhớ như in “con cò mà đi ăn đêm”, “hôm qua tát nước bên đình”... trong lời ru của ông ngoại.
Những buổi chiều trời còn rộm nắng, ông dắt tôi đi thăm cây trái trong vườn. Này là cây táo sai trĩu quả, này là hàng na với lũ chim ríu rít chuyền cành, cây mít lúc lỉu quả đầy gai nhưng ngon tuyệt, này vải, này nhãn, xoài... và thêm bao nhiêu loại cây cho quả mà tôi từng nói với ông rằng mình thích. Ông cúi xuống đặt vào trong tay tôi từng chùm quả chín. Nếp nhăn nơi đuôi mắt của ông như sâu hơn, gợn sóng lăn tăn.
Ông mỉm cười tự hào nói với tôi rằng “tất cả cây trái ở trong vườn này ông trồng là để cho cháu ông về thưởng thức”. Tôi cười tít mắt, thỏa mãn. Lúc ấy tôi có cảm giác hệt như ông, vườn cây trái của ông và quê hương này chính là của riêng tôi, lúc nào cũng dang rộng vòng tay như để đón chào chỉ một mình tôi vậy.
Tôi lớn lên và bắt đầu vào đại học, đôi khi buổi tối tôi còn lê la đâu đó với bạn bè, đôi khi tôi đang ở trong lớp học thêm tiếng Anh với giấc mơ đi du học... và thế là tôi dần quên mất những cuộc điện thoại của ông ngoại. Ban đầu tôi cũng hơi áy náy vì sự thay đổi của mình nhưng rất nhanh sau đó lại tự nhủ rằng: Dù gì thì vẫn sẽ có ai đó ở trong nhà, hoặc là bố hoặc là mẹ hoặc em trai thay mình nghe điện thoại.
Một hôm tôi trở về nhà vào lúc 8 giờ tối, khi tôi mở cửa đúng lúc điện thoại bàn đổ chuông. Quả nhiên chính là ông “Alo, Chíp đấy à?”. Tôi cười hỏi lại ông “Vì sao ông biết là con, hay thế?”. “Bố cô, chỉ có con bé Chíp mới nhấc điện thoại của ông nhanh như thế, ngay từ hồi chuông đầu tiên”. Rồi ông vui vẻ chúc mừng tôi “ông nghe mẹ Phương nói chuyện con đậu học bổng đi Anh rồi nhé...
Sao giữa tháng đã đi à? gấp thế! Đi một mạch 6 năm cơ á? Thế con có được về nghỉ hè không?”. Tôi bỗng thấy sống mũi mình cay cay khi nghe giọng nói thân thiết đầy lo lắng của ông ngoại. Ông sợ tôi sang bên kia sẽ lạ nước lạ cái, lo một mình tôi nơi đất khách không biết ăn uống, sinh hoạt thế nào?
Rồi ông lại trông “làm sao gửi trái cây sang cho Chíp được đây!” khiến suýt chút nữa thì tôi òa khóc. Bao nhiêu năm nay ngoại vẫn luôn đứng nguyên một chỗ hướng về tôi, chăm sóc tôi, ngóng đợi tôi về. Chỉ có tôi là dần dần cứ ngày một đi xa... Rồi đây, sẽ còn bao nhiêu cái 6 năm, để tôi có cơ hội được tìm về bên ngoại?