Những ngày dịch phải cách ly, sống trong vòng khu phong tỏa cho bạn điều gì? Có người sẽ bảo chẳng được gì cả, ngoài tù túng và mất tự do. Nhưng với Trần Cơ Bản, một học sinh Hà Nội vừa bước sang tuổi 13, những ngày nghỉ học vì dịch Covid 19 lại giúp cậu những trải nghiệm thú vị.
Cơ Bản học tại một ngôi trường giữa lòng Hà Nội. Cậu học giỏi, lại chẳng chịu đồng lõa với Kiên "bẩn" nhà giàu nhưng chuyên ăn gian trong những kỳ kiểm tra nên bị nhóm bạn của Kiên tẩy chay. Bản sống trên tầng thứ 80 một tòa chung cư. Cha cậu là chuyên viên nghiên cứu văn hóa, mẹ là nhân viên văn phòng. Sau khi cô giáo tuyên bố "từ mai tất cả các em không phải đến lớp nữa", cũng như nhiều bạn cùng trang lứa khác, Cơ Bản phải ngồi nhà học trực tuyến. Rồi những sự việc liên tục xảy đến đã kéo cậu bé khỏi thành phố về quê nội là một địa bàn biên giới. Cuộc sống gian nan và lạ lẫm của những người bạn đồng trang lứa nơi quê nội và ngôi trường vùng biên giới đã giúp cậu tìm thấy nhiều điều ý nghĩa về cuộc sống.
Câu chuyện của Trần Cơ Bản được kể trong truyện dài Cơ Bản là Cơ Bản của nhà báo Phạm Huy Thông. Anh hiện công tác tại báo Thể thao & Văn hóa (thuộc Thông tấn xã Việt Nam). Sách do NXB Kim Đồng ấn hành tháng 3/2022.
Kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề báo cùng với sự nhạy cảm vốn có của một cử nhân văn chương khiến câu chuyện được kể một cách hấp dẫn từ đầu đến cuối. Những trò nghịch ngợm khiến cô giáo và cả anh kỹ thuật viên mạng viễn thông cũng toát mồ hôi của Bản khi cậu bày trò để trốn học online. Chỉ trong một vài phút, bằng khả năng "trời phú" của mình, Bản đã sáng tác bài vè vạch mặt những trò gian dối của Kiên "bẩn" và đám bạn trong các bài kiểm tra.
Rồi vô vàn chuyện dở khóc dở cười mà người lớn gặp phải khi ở nhà cùng lũ nhóc nghịch ngợm ở khu chung cư. Một gia đình gồm 3 thành viên mỗi người một vẻ. Ông bố điềm đạm luôn nhốt mình trong căn phòng đầy mùi sách cũ nhưng lại thông thạo nấu ăn và biết nhiều điều về văn hóa truyền thống. Bà mẹ thích mua sắm, ưa mạng xã hội và cũng rất thức thời khi tìm cách tận dụng khả năng sáng tác vè của con để câu like phục vụ cho các kênh bán hàng trực tuyến của mình. Cậu bé Bản là điển hình của một thiếu niên đô thị thích công nghệ nhưng chẳng biết con bò khác con trâu như thế nào.
Câu chuyện cũng mở ra một không gian khác biệt với sự tù túng của khu chung cư những ngày giãn cách. Đó là một vùng quê khoáng đạt với những lễ hội truyền thống đầy màu sắc tâm linh, những trò diễn dân gian có một không hai, chẳng như chèo ma, nơi người diễn làm trò mua vui cho linh hồn người chết được về chốn cực lạc. Ở đó, Bản biết đến cánh đồng phì nhiêu bên con sông Chu xanh mát. Cánh diều chao liệng giữa không trung, những buổi học bơi theo kiểu cách rất dân dã. Những con người với tính cách điển hình chân quê. Cô bé Huyền vâm váp như con trai, tóc tai bù xù tựa cây rơm chúc ngược nhưng lại là một "thần đồng nhạc Rap". Một không gian miền biên cương gian khó nơi bầy trẻ phải ở lán học chữ và luôn đối mặt với hiểm nguy, nào là rắn cắn, lũ quét, bệnh tật. Những món ăn khiến Kiên "bẩn" phải nôn thốc, nôn tháo…
Nhưng chính giữa miền đất gian nan đó mang lại cho nhóm bạn Bản, Kiên, Huyền những trải nghiệm khó quên trong một cuộc phiêu lưu thực sự.
Cuốn sách còn là câu chuyện về tình người, tình bạn. Đó là tình cảm ấm áp của những người tử tế với vòng tay giang rộng của những người khó khăn. Tình bạn hiếm có giữa cha của Bản và chú Tôn, sự chuyển biến từ đối thủ sang bạn bè giữa Kiên và Bản. Cả nỗi băn khoăn của cái tuổi chưa phải người lớn của các bạn nhỏ trong lứa tuổi 13 như cô bé Huyền.
Chuyến về quê trong mùa giãn cách của Bản khép lại với bao vui buồn lẫn lộn, nhưng vui nhiều hơn là buồn. Bởi ở đó cậu đã có những trải nghiệm cậu không bao giờ tìm thấy ở chốn thị thành hay ở không gian mạng. Những trải nghiệm đó trở thành hành trang quan trọng trên con đường trưởng thành của cậu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn