Cuộc phóng thích đại sát thủ Apacthai sau 20 năm ngồi tù

07:17 | 16/09/2017;
Eugene de Kock đã được các phương tiện truyền thông Nam Phi đặt cho biệt danh Prime Evil (đại sát thủ) hay “cỗ máy giết người man rợ” của chế độ phân biệt chủng tộc Apacthai. Sau 20 năm ngồi tù, Văn phòng Bộ Tư pháp Cộng hòa Nam Phi quyết định trả tự do.
Kẻ đứng đầu chuyên thủ tiêu các nhà hoạt động chống Apartheid

Theo Bộ trưởng Tư pháp Nam Phi Michael Masutha, trong nỗ lực củng cố khối đại đoàn kết dân tộc để "xây dựng đất nước" và giúp tìm kiếm những người mất tích, Chính phủ nước này quyết định trả tự do cho Eugene de Kock, kẻ bị tuyên 2 án tử hình và 212 năm tù giam.

eugene_de_kock.jpg
 Chân dung đại sát thủ Eugene de Kock. (Ảnh BBC)

Đại tá cảnh sát Eugene de Kock, người có nhiệm vụ "bịt miệng" các nhà lãnh đạo ở Đại hội Dân tộc Phi (ANC) - tổ chức chính trị của người da màu Nam Phi được thành lập năm 1912 - nhằm đấu tranh thủ tiêu chế độ phân biệt chủng tộc (Apacthai).

Nhưng thật lạ đời, chính ANC cuối cùng lại tha bổng cho Eugene, thậm chí, số năm ngồi tù của Eugene còn thấp tới 7 năm so với thời gian Tổng thống Nelson Mandela phải ngồi tù theo lệnh Apacthai.

Eugene de Kock sinh ngày 29/1/1949 tại tỉnh West Cape, trong gia đình cha là Lawrence de Kock, thẩm phán và bạn rất thân với cựu Thủ tướng chế độ Apacthai, John Vorster.

0710namphi.jpg
Bức ảnh được chụp trong cuộc biểu tình năm 1976 của các học sinh tại Soweto, Johannesburg (Nam Phi) không chỉ khiến số phận của 3 con người thay đổi mà còn bóc trần bản chất của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid với cả thế giới.

Theo anh trai Vossie de Kock thì em mình là một người "hiền như bụt và rất trầm lặng", không mang tư tưởng bạo lực nhưng lại thích trở thành sĩ quan cảnh sát.

Giống như nhiều thanh niên Nam Phi khác, Eugene rất muốn tham gia quân đội nhưng đã bị loại ngay từ đầu vì tật nói lắp. Thay vì vào quân đội, Eugene đã nhờ vả xin vào cảnh sát nhưng cũng bị loại vì thị lực kém.

Năm 1979, đứng ra thành lập một tổ chức mang tên Koevoet, có nhiệm vụ "tìm diệt" các thành viên của Tổ chức Nhân dân Tây Nam Phi hay Đảng SWAPO  do Sam Nujjoma đứng đầu. Koevoet khét tiếng vì mức độ tàn bạo, nhất là các hoạt động thủ tiêu, ám sát.

anh1.jpg
Tấm biển đề phòng người da đen của chính quyền Apartheid Nam Phi.

Năm 1983, Eugene đã được cảnh sát Nam Phi để ý đưa về C10, cách Thủ đô Pretoria 10 km, hay còn gọi là trại Vlakplaas để thực thi nhiệm vụ "đâm thuê chém mướn". Tại đây, Eugene trải qua các chức vụ trước khi trở thành người đứng đầu Vlakplaas. Sau đó, Vlakplaas được đổi tên thành C1, cỗ máy sát thủ, chuyên thủ tiêu các nhà hoạt động chống Apartheid, kể cả các nhà báo, phần lớn là những người da đen.

Đại tá "sát thủ" với 2 án tử hình và 212 năm tù giam
 
Năm 1994, ngay sau khi Nelson Mandela trở thành Tổng thống thông qua cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tại Nam Phi , Eugene de Kock đã bị bắt. Tại Ủy ban Hòa giải và Sự thật (TRC) được thành lập bởi ông Mandela, do Đức Tổng Giám mục Desmond Tutu chủ trì, Eugene  đã thú nhận toàn bộ tội ác chống lại nhân loại.

Tiết lộ này gây sốc dư luận, lộ tẩy nhiều công nghệ tra tấn cực kỳ man rợ và tàn bạo của Apacthai nhằm để duy trì quyền lực. Mặc dù đã được ân xá về hành động tội ác đối với người Nam Phi nhưng Eugene vẫn bị tuyên phạt tới 2 án tử hình và 212 năm tù giam, giết hại ít nhất 12.000 người, chủ yếu là tại hai khu vực Natal và Transvaal.

1386315837-1.jpg
Nelson Mandela, vị cứu tinh của cả dân tộc Nam Phi.

Tháng 11/1989, hai cựu thành viên thuộc chế độ Apacthai đã tiết lộ sự tồn tại của một "mạng lưới khủng bố" do Eugene cầm đầu chuyên ám sát các chính khách, những người chống chủ nghĩa Apacthai theo đơn đặt hàng của Adriaan Vlok, Bộ trưởng Công an và  Magnus Malan - Bộ trưởng Quốc phòng, cùng giới chóp bu Apacthai.

Trong khi bị giam tại nhà tù C-Max ở Pretoria, Eugene đã trả lời nhiều cuộc phỏng vấn của báo chí và đài phát thanh,  Eugene tiết lộ, nhân vật đứng đầu chế độ phân biệt chủng tộc giai đoạn cuối, FW de Klerk chính là người đã ra lệnh cho y thủ tiêu nhiều nhân vật quan trọng. Ông FW de Klerk, người chia chung giải Nobel Hòa bình với cố Tổng thống Mandela về nỗ lực xóa sổ nạn phân biệt chủng tộc đã phủ nhận các cáo buộc nói trên.
 
Nhà tâm lý học Nam Phi, Pumla Gobodo-Madikizela người từng tham gia phỏng vấn Eugene khi còn trong tù, tác giả cuốn sách A Human Being Died That Night (Người bị giết trong đêm) cho rằng, việc thả tự do cho Eugene không ai muốn, thậm chí còn phẫn nộ nhưng nó lại là một việc nên làm, trước tiên là vì tương lai của Nam Phi.

Vả lại, Eugene cũng chỉ là một công cụ của Apacthai, bản thân Eugene đã nhiều lần đề nghị gia đình các nạn nhân tha thứ cho y. Ví dụ, trong bức thư gửi cho gia đình luật sư Bheki Mlangeni, người đã bị Eugene giết bằng một bom thư, Eugene ghi: "Dù có bị hành hình tới hàng trăm lần cũng không thể so sánh với lỗi lầm của tôi đã gây ra cho gia đình luật sư Bheki".

Luật sư riêng của Eugene, Julian Knight mới đây tiết lộ, ông không thể liên lạc với thân chủ nên không thể bình luận nhiều, tuy nhiên ngày giờ cụ thể Eugene được tự do đến nay vẫn đang được giữ kín.

Vài nét trích ngang của Eugene de Kock

- Sinh ngày 29/1/1949 tại tỉnh West Cape, Nam Phi
- Từ năm 1983 là tư lệnh Vlakplaas
- Từng tự thú trước Ủy ban Hòa giải và Sự thật (TRC) giết hại hàng trăm người
- Mang biệt danh Đại sát thủ về thành tích ám sát, thủ tiêu những người chống Apacthai
- Bị kết án 212 năm và hai án tử hình năm 1996
- Năm 2012, được công khai tha thứ vì tội giết mẹ của thành viên Đảng ANC Portia Shabangu
- Đã ngồi tù được 20 năm


Chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid từng tồn tại suốt gần nửa thế kỷ, từ năm 1948-1994 ở Cộng hòa Nam Phi nhằm duy trì sự thống trị tuyệt đối của nhóm thiểu số người da trắng với đại đa số dân da màu, cũng là một trang đen tối nhất trong lịch sử Cộng hòa Nam Phi. Quyết định bất ngờ trả tự do cho Eugene de Kock đã gây ra những phản ứng trái ngược trong dư luận... Tuy nhiên, đa phần những người am hiểu thời cuộc đều ủng hộ động thái của cơ quan tư pháp nhà nước, bởi sự tha thứ là một phần không thể thiếu để Nam Phi có thể thoát khỏi quá khứ đau thương.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn