Xuân Trường tên thật là Đỗ Xuân Trường, sinh năm 1968. Anh bắt đầu đi hát vào năm 1990, hằng đêm anh chạy show khắp các phòng trà trong TPHCM như ATB, Nguyễn Ánh 9, Tình Ca, Maxim, Tiếng tơ đồng, Bách diệp...
Xuân Trường sở hữu giọng hát trầm ấm, ngọt ngào, "chuyên trị" các bài tình ca nhạc xưa, nhạc tiền chiến nhẹ nhàng và tha thiết.
Đến cuối năm 1999 anh được ca sĩ Đoan Trường lúc đó đang làm biên tập ca nhạc mời về hát cho các quán bar, sân khấu ca nhạc như CLB nhạc trẻ Number 1, Olympic, Cát Đằng.
Xuân Trường được khán giả phòng trà cũng như đồng nghiệp dành tặng danh xưng Hoàng tử phòng trà hát tình ca vì 90% các ca khúc do khán giả yêu cầu, viết giấy gửi lên sân khấu cho anh đều thuộc dòng nhạc này. Điều đặc biệt là Xuân Trường luôn đáp ứng và hát live ngay tại chỗ, không cần tập dượt trước với ban nhạc.
Anh được xem như một "thư viện nhạc tình ca" khi biết và thuộc hết các ca khúc trữ tình. Cũng chính bởi vậy, anh luôn được ưu ái chọn hát mở đầu hầu hết các đêm nhạc quan trọng vì các bầu show tin rằng… "đầu xuôi đuôi lọt".
Ca sĩ Xuân Trường (áo trắng hình trái) thập niên 1990 và hiện tại.
Cũng như các ca sĩ khác thời kỳ 1998-2000, Xuân Trường chỉ hát phòng trà nhưng đôi khi thu nhập có thể còn cao hơn các ca sĩ khác vì cat-xê phòng trà luôn trả cao hơn các quán bar, sân khấu, vũ trường.
Trung bình một tối, anh chạy 7 show, từ 18 giờ đến 1 giờ sáng. Mỗi show hát từ 2 đến 4 bài, cát-xê dao động từ 50.000 đến 70.000 đồng. Như vậy 1 đêm, Xuân Trường nhận cát-xê khoảng 400.000 đồng.
Giá vàng năm 1999 khoảng 4 triệu đồng/cây. Một tháng, thu nhập của anh tương đương 3 cây vàng, đứng hàng top các nam ca sĩ hát sân khấu, phòng trà tại TPHCM có thu nhập cao thời điểm ấy như Lâm Chí Khanh (sau này là Lâm Khánh Chi), Đàm Vĩnh Hưng, Đoan Trường, Vũ Hà, Mai Tuấn.
Xuân Trường ra album đầu tay chung với ca sĩ Tố Như, mang tên Ngày tháng chia xa và được phát hành năm 2000. Suốt mấy chục năm làm nghề, Xuân Trường hoạt động cực kỳ lặng lẽ. Muốn tìm kiếm thông tin của anh trên mạng xã hội gần như là không có.
Xuân Trường là ca sĩ hiếm hoi trong làng nhạc Việt không dùng mạng xã hội và gần như không xuất hiện trên truyền thông, báo chí suốt nhiều năm qua. Anh còn thừa nhận, bản thân không giao tiếp, không quen biết nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp. Nam ca sĩ đặc biệt kín tiếng về đời tư.
Ở tuổi 55, Xuân Trường vẫn bền bỉ làm nghề. Anh vẫn đi hát mỗi tối vài show ở các tụ điểm ca nhạc như: Vườn Đá Cà phê Đầm Sen, Vườn cau… và cảm thấy rất vui vì còn được hát và còn được nhiều khán giả trung thành yêu mến.
Mỗi lần lên sân khấu, Xuân Trường vẫn luôn được khán giả yêu cầu hát các bài tủ như: Chỉ chừng đó thôi (Phạm Duy), Ở nơi nào em có nhớ (Ngô Thụy Miên), Một mình (Lam Phương), Hai phương trời cách biệt (Hoàng Trọng), Khúc thụy du (Anh Bằng)…
Xuân Trường cũng thu âm một số các ca khúc và đăng trên Youtube như: Dòng đời ngược xuôi, Chén đắng, Dấu chân, Hết rồi em ơi, Mong về, Con tim thao thức...
Ngoài đi hát phòng trà, Xuân Trường còn được biết đến là ca sĩ hát nhạc Thánh ca rất hay vì anh sinh hoạt ca đoàn Cecilia thuộc giáo xứ Đa Minh Ba Chuông, Phú Nhuận, từ lúc nhỏ đến nay cũng đã hơn 25 năm.
Ca đoàn có khoảng hơn 20 người hát lễ vào mỗi sáng Chúa Nhật lúc 6 giờ 15 dù đêm nào anh cũng đi hát rất khuya tới tận 12 giờ. Có dịp, anh còn là ca trưởng đánh nhịp cho ca đoàn Cecilia trong vài thánh lễ quan trọng của nhà thờ.
Nhiều người muốn lên truyền hình, game show để được khán giả biết tới càng nhiều càng tốt còn Xuân Trường lại từ chối vì chỉ muốn làm nghề bình lặng, êm đềm và nhẹ nhàng như con người anh bao nhiêu năm qua.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn