Thảm họa nhân đạo
Hỏa hoạn bùng phát ngày 9/9 do các cuộc đụng độ bùng nổ khi một vài người trong số 35 người tị nạn có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 từ chối chuyển đi sống cách ly với gia đình của họ. Khung cảnh điêu tàn, các khung lều cháy rụi, những mảnh kim loại rúm ró, đen đúa là những gì còn lại. Trại Moria được xây dựng năm 2015 cho 2.200 người xin tị nạn từ Afghanistan, Syria, Iraq, Pakistan và phía Tây châu Phi. Các nhà ngoại giao nói vụ cháy là một "thảm họa nhân đạo".
Tình hình ở đảo Lesbos hiện rất bi thảm. Sau khi hỏa hoạn, hàng nghìn người di cư và người tị nạn phải rời khỏi lều trại và những căn nhà tạm bợ. Họ lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Trong khi nhiều người được cho trú ẩn trong các thùng hàng di động thì hàng nghìn người khác sống trong những căn lều trên một khu rừng ô liu trên sườn đồi. Có người đã chặt lau sậy để làm nơi trú ẩn tạm thời, trong khi những người khác chỉ có một chiếc túi ngủ. Những đứa trẻ phải qua đêm bên vệ đường gần Mytilene.
Valencia Malala (8 tuổi, người Congo) đi chân trần, ra hiệu với phóng viên AP rằng cô bé đói và xin bánh quy. "Nhà của chúng cháu bị cháy, giày của cháu bị cháy. Chúng cháu không có thức ăn, không có nước uống", cô bé nói.
Cả Valencia và mẹ mình là Natzy Malala (30 tuổi) cùng đứa em mới sinh ngủ bên đường. Cô Natzy than thở: "Tôi không có thức ăn, không có sữa cho đứa trẻ bú". Freddy Musamba, một người di cư từ Gambia, cho biết: "Chúng tôi đã trải qua 3 ngày ở đây mà không được ăn uống. Chúng tôi đang ở trong điều kiện thực sự tồi tệ".
Còn cô Somaya (27 tuổi), tốt nghiệp ngành chính trị học ở Afghanistan, ngồi lặng lẽ ôm bọc đồ của mình. Trước vụ cháy, cô sống trong khu trại dành cho những phụ nữ độc thân. Somaya phải ngủ trên đường cùng hàng nghìn người khác. "Chúng tôi trải qua những đêm rất tồi tệ, không đồ ăn thức uống, không có bất cứ thứ gì", cô kể.
Faris Al-Jawad từ tổ chức từ thiện Médecins Sans Frontières cho biết nhóm của ông đã điều trị cho các em bé bị ngạt khói và chăm sóc những trẻ nhỏ trên đường nhiều ngày qua. Trong khi đó, những người tị nạn từ khu trại Kara Tepe nhỏ hơn cách đó 5km sẵn sàng chia sẻ thức ăn và chỗ ở cho họ nhưng cũng không giúp được nhiều.
Châu Âu chung tay cứu trợ cho người tị nạn
Bộ Chính sách Di cư của Hy Lạp cho biết sẽ thực hiện "tất cả các bước cần thiết" để đảm bảo rằng các nhóm và các gia đình dễ bị tổn thương có nơi ở, song những điều này dự kiến sẽ vấp phải sự phản kháng gay gắt của cư dân địa phương. Chính phủ Hy Lạp đã có 3 chuyến bay di chuyển 406 trẻ vị thành niên không có người đi kèm khỏi hòn đảo và chúng sẽ được đưa vào các cơ sở an toàn ở miền Bắc Hy Lạp.
Khoảng 1.000 người tị nạn dễ bị tổn thương gồm người khuyết tật và bệnh tật cũng sẽ được bố trí lên phà cứu hộ trước. Nhà chức trách Hy Lạp đang tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ từ lều bạt cho tới những chiếc phà chở khách để làm nơi ở tạm cho hàng nghìn người, bao gồm cả trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
Do vụ cháy lớn và số người tị nạn quá đông, việc khắc phục hậu quả đang gặp rất nhiều khó khăn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, sau khi Hy Lạp yêu cầu hỗ trợ, các đội y tế khẩn cấp đến đây vào 2 ngày 12 và 13/9 nhằm thực hiện công tác cứu trợ. Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), bà Ursula von der Leyen, cho biết EU sẽ hỗ trợ và để đảm bảo an toàn cho những người hiện không có chỗ trú, trước mắt là hỗ trợ cho trẻ em không có người lớn đi cùng vào đất liền. Đức và Pháp đã nhất trí sẽ tiếp nhận và phân bổ khoảng 400 trẻ vị thành niên tới các nước EU và con số thực tế có thể thay đổi sau các cuộc đàm phán giữa các nước thành viên.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi các nước EU tiếp nhận người tị nạn. Riêng Đức sẽ nhận 1.000 người, trong đó ưu tiên trẻ em vô gia cư. 16 nghị sĩ thuộc liên đảng bảo thủ CDU/CSU cũng ký một bức thư chung gửi Bộ Nội vụ Đức để kêu gọi Đức tiếp nhận khoảng 5.000 người tị nạn, thậm chí không cần phải đạt thống nhất với các nước EU khác. Hà Lan cũng thông báo liên đảng cầm quyền đã nhất trí sẽ tiếp nhận 100 người tị nạn từ trại Moria. Chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte từng kịch liệt bác bỏ việc tiếp nhận người tị nạn từ Hy Lạp. Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn ở trại Moria đã khiến Hà Lan thay đổi quan điểm. Áo cũng cho biết sẽ xem xét việc tiếp nhận người tị nạn khi các nước EU như Đức, Pháp cùng thực hiện.
Cho tới khi xảy ra vụ hỏa hoạn ở trại tị nạn Moria, EU dẫu không muốn cũng phải thừa nhận giải pháp cho vấn đề người tị nạn và nhập cư được ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ tháng 3/2016 đã phá sản. Lý do là nó vừa không giúp EU giải quyết được dứt điểm vấn đề này, lại vừa khiến EU nhức nhối bởi sự tồn tại của các trại tị nạn như Moria.
Theo thỏa thuận này, EU phải chi cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiều tiền để ngăn dòng người tìm cách nhập cảnh trái phép vào EU và nhận lại những người không được EU trao quy chế tị nạn. Thỏa thuận này cũng chi cho Hy Lạp nhiều tiền để giữ những người tị nạn chờ được EU xem xét chấp nhận. Năm 2016 và 2019, trại tị nạn Moria đều từng xảy ra hỏa hoạn. Chính phủ Hy Lạp bị phê phán nặng nề về nhận nhiều tiền từ ngân quỹ EU mà không xây dựng, quản lý, vận hành được an toàn và trật tự trại tị nạn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn