Clip: Cuộc sống của người dân khu Mả Lạng
Những con hẻm sâu hút, ngổn ngang xe cộ, đồ đạc xếp dọc đường chỉ đủ 2 người đi song song. Hơn 500 căn nhà tạm bợ chỉ khoảng 10 - 20 m2 với nền gạch vỡ nứt, tường rêu bong tróc và đồ đạc chèn kín những nơi có thể đặt chúng... Ít ai có thể tưởng tượng đây lại là nơi trú ngụ của những gia đình thậm chí từ 4 - 5 thế hệ cùng nhau sinh sống ở ngay giữa "đất vàng" xa hoa bậc nhất Sài thành.
Nằm ngay giữa trung tâm Quận 1, khu tứ giác Mả Lạng được giới hạn bởi 4 tuyến đường gồm: Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh, Trần Đình Xu, Nguyễn Cư Trinh, có diện tích khoảng 6,8 ha. Người dân nơi đây chủ yếu là lao động chân tay, buôn bán nhỏ lẻ, thu nhập cũng chỉ đủ sống qua ngày.
Từ năm 2000, TPHCM có chủ trương giải toả khu vực này với tổng diện tích 6,8 ha, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn được giao làm chủ đầu tư nhưng không thể triển khai dự án.
Đến năm 2007, dự án chỉnh trang khu Mả Lạng được chuyển giao cho Công ty TNHH tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư. Lúc này, khu đất được kỳ vọng trở thành khu phức hợp các khách sạn, cao ốc, văn phòng và trung tâm thương mại. Để thực hiện dự án này sẽ phải giải toả trắng hơn 1.400 căn nhà.
Theo kế hoạch, công tác di dời, bố trí tái định cư cho người dân Mả Lạng được bắt đầu từ năm 2018. Quy nhiên quá trình thu hồi đất gặp nhiều vướng mắc, thủ tục pháp lý. Đến năm 2022, các sở ngành TPHCM được giao xem xét chấm dứt dự án.
Bà Tuyết (Hẻm 245 Nguyễn Trãi, Quận 1, TPHCM) vừa đung đưa đứa cháu ngoại nằm trên võng vừa nói: "Người ta có nửa căn như này thôi mà người ta vẫn sống bình thường" nhưng cũng không khỏi thất vọng bởi câu chuyện giải toả đã kéo dài mấy chục năm nay: "Nhiều năm lắm rồi, cứ nói giải toả nhưng trên 20 năm rồi. Cũng xuống đây rồi đo đạc tùm lum, ồn ào rồi lại ngưng. Rồi qua năm khác cũng giống vậy, cũng xuống đo đạc nhà cửa rồi cũng qua hết".
"Khu ổ chuột" là điều mà nhiều người dân sống tại khu vực trung tâm quận 1 này nói về nơi mình sống cùng một nụ cười gượng. Chẳng dám tưởng đến nhà cao cửa rộng, ngôi nhà trong mơ của người dân nơi đây chỉ cần đủ chỗ cho sinh hoạt hàng ngày: "Một ngôi nhà không cần khang trang quá nhưng đủ sống, đủ chỗ cho mọi người ở, đủ cho mình sinh hoạt hằng ngày là được rồi".
Cuộc sống sinh hoạt chật chội của người dân khu Mả Lạng
Sống lâu trong cái chật hẹp, mệt mỏi trăm bề, nhiều gia đình có mong muốn sửa sang lại căn nhà để có thể thoải mái hơn trong việc sinh hoạt nhưng lại không khỏi thấp thỏm lo sợ bởi thông tin giải toả cứ đến rồi lại đi.
"Không có sự quyết định. Ví dụ bây giờ không đi thì phải cho người dân biết để ổn định, dù nhỏ hay lớn thì người ta cũng tu sửa sạch sẽ để ở. Bây giờ cứ nói (giải toả - PV) như vậy hoài, muốn sửa nhà cũng không dám sửa. Nhiều người ta có tiền thì người ta cũng sửa đại đi, vì nhà người ta đông con cái" - bà Tuyết chia sẻ.
"Sửa nhà bây giờ tiền đâu ra. Ví dụ đi mượn tiền mấy chục một trăm triệu, giờ giải toả tiền đâu mà trả nợ người ta. Nhiều người không dám xây cất tử tế để ở, mấy người ở có 15 mét vuông" - những suy tính, lo toan của người dân nơi đây cứ mãi dang dở theo các dự án nghìn tỷ được "treo" từ năm này qua năm khác.
"Cũng chưa quyết định là mình phải đi đâu. Khi nào kết thúc. Giờ giải toả khu này thì được cho định cư ở nơi nào. Chừng đó thì mình mới quyết định được chứ mình bây giờ làm sao mà quyết định", một người dân cho hay.
Năm 2000, UBND TPHCM chủ trương giải tỏa nhằm chỉnh trang khu Mả Lạng (khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh) có diện tích đất thu hồi hơn 6,8ha, giới hạn bởi 4 tuyến đường gồm: Nguyễn Trãi - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh - Cống Quỳnh.
Ban đầu, dự án được giao cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện. Đến năm 2006, dự án được chuyển giao cho Tập đoàn Bitexco xây dựng cao ốc văn phòng - trung tâm thương mại - căn hộ kết hợp chỉnh trang đô thị.
Đầu năm 2017, UBND TPHCM có văn bản giao Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát pháp lý, phối hợp với cơ quan chức năng quận 1 tiến hành công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, UBND quận 1 chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Bitexco và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai công tác bồi thường, thu hồi đất, cũng như điều tra, khảo sát lập phương án tái định cư.
Dự kiến việc di dời, tái định cư bắt đầu từ tháng 6/2018. Tuy nhiên cho đến nay, dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh vẫn giậm chân tại chỗ do vướng vấn đề pháp lý.
Do đó, từ giữa năm 2022, UBND TPHCM đã giao các đơn vị nghiên cứu cơ sở pháp lý, tham mưu chấm dứt dự án.
Tại hội nghị kiểm tra kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2024, UBND quận 1 đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì mời gọi đầu tư dự án tứ giác Nguyễn Cư Trinh (chỉnh trang khu Mả Lạng).
Với dự án này, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM - cho biết đây là một dự án phức tạp, có nhiều vướng mắc và trải qua nhiều thời kỳ.
Trước đây, dự án đã được thu hồi và đến nay Thành phố đang thực hiện thủ tục đấu thầu mới.
Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 23 về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực liên quan đến công tác đấu thầu.
Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan để sớm triển khai công tác đấu thầu, đưa vào đầu tư, chỉnh trang khu vực này.
Nguồn: Theo Tuổi trẻ online
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn