Đây là con phố Quốc Tử Giám nơi dự án tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - ga Hà Nội chọn để đặt Ga S11. Từ một con phố kinh doanh sầm uất, đông đúc nay con phố này trở nên nhếch nhác, sập sệ, hoang tàn.
Nếu như trước đây, một căn nhà mặt tiền trên phố Quốc Tử Giám có giá thuê hàng chục triệu đồng thì nay chỉ đành bỏ không, hoặc tận dụng để bán trà đá, trưng dụng làm nơi tập kết xe rác.
Gia đình cô Dương Thị Bình kinh doanh quán bún tại ngõ Lương Sử A đã hàng chục năm nay cho biết: "Cả gia đình chúng tôi đều trông cả vào quầy bún này, mà từ ngày dự án triển khai tới giờ mất luôn cả mặt bằng để bán hàng. Vì tiếc khách quen nên đành ngồi tạm tại đầu ngõ để bán. Không chỉ nhà tôi mà các hộ dân tại đây kinh doanh đều bị ảnh hưởng, giờ họ phải đi làm thuê hết. Lúc đầu chỉ tưởng dự án thi công vài năm mà bây giờ kéo dài mãi chưa thực hiện xong như thế này, cuộc sống của chúng tôi cũng bấp bênh lắm".
Hiện tại, một phần các hộ dân sinh sống quanh công trường xây dựng dự án đã di rời đi do nhà cửa bị ảnh hưởng không còn đảm bảo an toàn cho môi trường sống, phần còn lại vẫn gia cố lại để ở.
Như gia đình của ông Lê Hữu Đa ở tại số 15 ngõ 51 đường Quốc Tử Giám - Hà Nội. Gia đình ông là một trong những hộ bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc xây dựng dự án. Toàn bộ phần tường, chân cầu thang của ngôi nhà xuất hiện nhiều vết nứt lớn. Riêng tại phía chân cầu thang lối dẫn lên tầng 2 của gia đình đã bị bong chóc, bóc tách tường và đang có dấu hiệu sạt lún.
Hiện trạng nhà ông Lê Hữu Đa, đường Quốc Tử Giám - Hà Nội.
Ông Lê Hữu Đa cho biết: "Gia đình tôi đã tự bỏ tiền ra để gia cố tạm thêm cột chống đỡ, ghim nẹp phần tường bịt nứt lớn để sinh sống tạm thời. Nếu nhà tôi không dựa được một phần tường vào các nhà hộ bên cạnh thì nhà tôi cũng sập lâu rồi ".
Sau nhiều lần làm đơn kiến nghị, đến năm 2021 phía chủ dự án đã khảo sát và có chi 5 triệu đồng mỗi tháng ( từ tháng 04 -08/2021) để vợ chồng ông Đa thuê chỗ ở mới (ông Đa chia sẻ ). Tuy nhiên sau đó thì dừng chu cấp nên gia đình ông bà buộc phải quay trở lại sống trong ngôi nhà nứt toác vì không thể chi trả thêm cho cuộc sống và buộc phải đối diện với những mối nguy hiểm đang thường trực mỗi ngày.
"Cứ mỗi hôm trời mưa to gia đình tôi sợ lắm. Rất mong chủ đầu tư sớm giải quyết cho chúng tôi, để chúng tôi yên tâm sinh sống..." Bà Lê Thị Xuân Mai (con gái ông Đa) chia sẻ .
Không chỉ có gia đình ông Đa mà những hộ dân khác sinh sống quanh đó cũng chịu một phần ảnh hưởng từ việc xây dựng dự án. Các phần tường liên kết giữa các hộ gia đình đều bị tách rời.
Chị Doãn Thị Lý Vân Anh, sinh sống tại số nhà 19 ngõ 51 chia sẻ: "Nhà tôi phần chân tường từ cổng vào cũng bắt đầu xuất hiện các vết nứt lớn rồi. Hiện tại dự án đang tạm dừng thi công chứ mấy nữa tiếp tục thì không biết sẽ còn như thế nào...".
Được biết, một số hộ dân khác đang sinh sống tại khu vực Ga S9 tuyến đường Kim Mã cũng đang trong hiện trạng tương tự.
Trao đổi với PV báo PNVN, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết: "Đơn vị rất quan tâm tới công tác quản lý, kiểm soát an toàn khi thi công dự án ga ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội, khảo sát kỹ các công trình cạnh các nhà ga có nguy cơ bị ảnh hưởng. Đơn vị cũng lắp đặt đầy đủ các hệ thống đo đạc, quan trắc để đo mức độ ảnh hưởng khi thi công. Tuy nhiên, MRB cho rằng, tại thời điểm đó, dự án đã kiểm tra các số liệu quan trắc với kết quả nằm trong ngưỡng an toàn. Với các vết nứt do điều kiện bảo trì kém, ẩm thấp gây rỉ thép dẫn tới nứt vỡ, đơn vị thi công đề xuất phương án sửa chữa và hỗ trợ kinh phí. Trong trường hợp người dân chưa đồng thuận sẽ mời đơn vị chuyên môn vào đánh giá độc lập. Nếu nguyên nhân đến từ dự án, Ban sẽ chỉ đạo nhà thầu phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ các chi phí có liên quan."
Ban quản lý cho biết thêm, trước khi tiến hành thi công hiện trường, dự án đã tiến hành khảo sát hiện trạng khoảng 3.000 công trình xây dựng nằm trong vùng ảnh hưởng của Dự án, đánh giá rủi ro khi thi công. Thông qua kết quả quan trắc, khảo sát hiện trạng, Dự án đã thống kê 50 công trình xây dựng bị ảnh hưởng khi máy đào hầm TBM bắt đầu hoạt động, trong đó có 7 hộ phải dỡ bỏ nhà, 43 hộ tạm cư. Dự án xây dựng khung chính sách hỗ trợ kinh phí chưa từng có tiền lệ, làm căn cứ thỏa thuận sử dụng đất trong thời gian thi công tuyến hầm.
Được biết, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km ngầm. Dự án khởi công năm 2010, dự kiến hoàn thành 2015. Tuy nhiên chậm tiến độ 7 năm, đến nay dự án mới đạt 75%. Tổng vốn đầu tư tăng gấp đôi so với ban đầu, lên hơn 34.000 tỷ đồng.
Dự kiến sau khi vận hành, tuyến đường có tốc độ khai thác thương mại 35 km/h; 8 đoàn tàu cùng hoạt động; một đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm; một đoàn tàu cứu hộ. Dự án được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn