Thời gian gần đây, nhiều quốc gia đã công bố dịch Covid-19 đã chấm dứt. Cuối tháng 9/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, đại dịch Covid-19 "đã chấm dứt" ở Mỹ. Tương tự, Nhật Bản cũng đã ngưng sử dụng ứng dụng truy dấu dịch trên điện thoại và thôi báo cáo chi tiết số ca mắc Covid-19. New Zealand hạ mọi rào cản đối với du khách và bỏ các biện pháp như đeo khẩu trang, bắt buộc tiêm ngừa từ cuối tháng 9/2022.
Tại Việt Nam, ngày 25/10, cả nước ghi nhận 514 ca mắc Covid-19 (giảm 32 ca so với ngày trước đó). Ngoài ra, có thêm 446 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong.
Theo Bộ Y tế, trong khoảng một tuần nay, số ca mắc Covid-19 trên cả nước giảm mạnh, trong khoảng từ hơn 400 đến 500 ca/ngày, thậm chí có ngày ghi nhận chỉ hơn 150 ca mắc.
Dù số ca mắc Covid-19 giảm, số dân được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đủ mũi cơ bản và mũi bổ sung tăng cao, nhưng Việt Nam vẫn chưa thể công bố kết thúc đại dịch Covid-19.
Về vấn đề này, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, hiện nay dịch Covid-19 tại một số khu vực trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó dự đoán, miễn dịch đáp ứng do mắc phải hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian.
Trong khi đó, hiện nay, virus SARS-CoV-2 liên tục có sự biến đổi với các biến thể mới. Các biến thể phụ của virus tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ khả năng làm tăng nặng, tử vong.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, nếu Việt Nam công bố hết dịch Covid-19 sẽ gặp nhiều thách thức.
Thứ nhất, trong trường hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Hơn nữa, khi công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ không được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, điều này ảnh hưởng đến việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Đặc biệt, nếu công bố hết dịch, việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, người dân trong phòng chống dịch sẽ không còn được quan tâm đúng mức. Người dẫn sẽ có tâm lý chủ quan, lơ là, không chủ đông thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Điều chỉnh các biện pháp chống dịch theo nguy cơ
Theo ông Lân, thực hiện Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ động điều chỉnh theo hướng giảm dần các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình dịch.
Theo đó, Bộ đã tham mưu, thực hiện tạm dừng khai báo y tế, dừng cách ly đối với người nhập cảnh, người tiếp xúc; mở rộng việc điều trị tại nhà; việc khoanh vùng ổ dịch được thực hiện ở phạm vi hẹp nhất có thể.
Đồng thời, cập nhật các hướng dẫn về tiêm vaccine cho trẻ em; cập nhật hướng dẫn an toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế; cập nhật quy định về sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm, thu dung, điều trị người bệnh trong cơ sở khám, chữa bệnh. Bộ cũng thay đổi khiến cáo từ 5K thành 2K.
"Hiện nay, dịch đang trong tình trạng được kiểm soát. Các biện pháp phòng chống dịch cơ bản đã trở về trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh", ông Lân nói.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế thường xuyên đánh giá tình hình dịch Covid. Trong trường hợp tình hình dịch Covid-19 diễn biến ổn định, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng chống dịch sẽ được kịp thời.
Còn theo PGS,TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới vẫn đánh giá Covid-19 là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp.
Tại Việt Nam, hiện đã ghi nhận số ca mắc, ca nặng giảm mạnh nhưng điều này là do hiệu lực của vaccine Covid-19. Sau 4-6 tháng, vaccine giảm hiệu lực lúc này Covid-19 vẫn là một nỗi lo hiện hữu.
Do đó, ông Phu cho rằng, thời điểm chưa nên công bố hết dịch Covid-19. Trong trường hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên. Lúc này, dịch có nguy cơ bùng phát, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
"Việt Nam cần đánh giá nguy cơ, tình hình dịch và nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó. Chúng ta nên tiếp tục điều chỉnh hướng dẫn phòng chống dịch, chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát linh hoạt, tùy theo từng địa phương, thời điểm để áp dụng. Ngoài ra, chính quyền địa phương, người dân không được buông lỏng việc phòng, chống dịch", ông Phu nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn