Trong Đơn nhờ giúp đỡ gửi tới Báo Phụ nữ Việt Nam, chị Phạm Thị Minh Thơ cho biết, bản thân đang đối mặt với sự chật vật, khó khăn vô cùng.
Chị Phạm Thị Minh Thơ, sinh năm 1977, ngụ tại TPHCM. Năm 2006, chị làm đám cưới với anh Đặng Bửu Khiết, sinh năm 1973, ngụ tại tỉnh Tiền Giang. Hai người có 1 con trai tên là Phạm Minh A., sinh năm 2009.
Tới năm 2013, chị và anh Khiết mới làm đăng ký kết hôn. Ở với nhau một thời gian, chị Thơ thấy chồng đã có những hành động bất thường, ngồi ở đâu thì ngồi một chỗ rất lâu, không hoạt động, ra ngoài ăn uống thì dễ gây mất trật tự, đồ đạc thì để tứ tung.
"Nhưng lúc đó tôi thấy ảnh cũng chưa tới nỗi bệnh nặng nên cuộc sống cứ thế trôi qua. Thời điểm đó, tôi làm công việc kế toán, còn chồng tôi làm tại một công ty nằm trên địa bàn quận 7, TPHCM. Dần dần, bệnh của anh mỗi ngày mỗi nặng thêm nên năm 2015 thì công ty cho nghỉ việc. Từ đó, anh ấy nghỉ hẳn ở nhà. Hằng ngày, ảnh vẫn có thể đưa đón con đi học", chị Thơ kể.
Tuy nhiên, từ đợt dịch Covid-19, bệnh của anh Khiết nặng lên, khó kiểm soát. Anh không đưa đón con đi học nữa và xuất hiện tình trạng ghiền thuốc lá rất nặng. Chị Thơ cho biết: "Mỗi lần anh Khiết có thể hút được cả cây thuốc lá. Nếu không có thuốc lá để đáp ứng nhu cầu thì anh bắt đầu ném đồ đạc trong nhà. Anh cũng nổi cơn lên là đánh đập con. Anh cầm chiếc ghế nhựa ở nhà để ném vào người, vào đầu con".
Khi chị Thơ đi làm, chỉ có cha con ở nhà thì các đồ đạc bị anh Khiết vứt hết ra ngoài cửa. Sống trong chung cư nhưng anh Khiết thường xuyên gây ồn ào, làm phiền mọi người và vợ con, khiến chị Thơ phải nhiều lần gọi điện thoại cho công an khu vực thuộc phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, giúp đỡ.
Công an địa phương đã từng hỗ trợ chị Thơ đưa anh Khiết tới Bệnh viện Tâm thần TPHCM tại Hàm Tử, quận 5, khám bệnh 2 lần. Lần đầu, anh Khiết không hợp tác, không chịu vô bệnh viện, trong lúc mọi người không để ý đã trốn ra ngoài, mất liên lạc 2 ngày.
Ban ngày, anh Khiết đi lang thang ngoài đường, tối về ngủ ở trước cửa nhà chị gái. Nhận được tin báo, chị Thơ tới đưa chồng về nhà. Lần thứ hai, công an khu vực cũng hỗ trợ đưa anh Khiết đi khám bệnh, được bác sĩ khám và cho thuốc. Chị Thơ mong muốn cho chồng nhập viện nhưng bác sĩ chỉ cho thuốc mang về nhà. Nhưng, anh Khiết không chịu uống thuốc dù vợ đã cố gắng cho uống.
Càng ngày, bệnh tình của anh càng dễ "kích ứng" hơn. Tính tình anh hung hăng, dữ tợn, đuổi đánh vợ con khiến chị Thơ, ngay đúng thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội, đã phải mang con trai về tá túc ở nhà cha mẹ ruột ở quận 12.
Để anh Khiết không bị đói khát trong thời điểm đó, chị Thơ đã nhờ hàng xóm mua đồ ăn mang qua mỗi ngày. Lo lắng cho chồng, nửa tháng sau, chị Thơ và con trở về nhà. Mong muốn chồng không quậy phá, mỗi ngày, chị Thơ phát cho anh 1 điếu thuốc lá, vì cũng không có nhiều tiền để mua.
Tuy nhiên, anh Khiết đòi hút liên tục, vợ đưa 2-3 điếu thuốc cũng không chịu, cáu bẳn. Chị Thơ mua sẵn thuốc lá để trong nhà nhưng giấu đi, chồng chị lục lọi kiếm được, mang ra hút hết.
Bệnh tình của anh Khiết mỗi ngày mỗi nặng, chị Thơ gọi điện thường xuyên cho công an địa phương nhờ can thiệp. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho hai mẹ con và những người xung quanh, ngày 23/2/2022, chị Thơ nhờ bên gia đình nội mang anh Khiết về Tiền Giang để dưỡng bệnh. Còn ở TPHCM, chị Thơ lâm vào tình trạng khó khăn.
Dịch bệnh đi qua nhưng cũng từ lúc đó chị mất việc làm, không còn tiền để xoay xở nuôi con. "Con trai Phạm Minh A. của chúng tôi cũng bị bệnh giống như cha. Cháu có những biểu hiện tâm thần bất thường từ lúc 8-9 tuổi, đã đi khám và hiện vẫn uống thuốc theo toa của bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2.
Lúc đòi việc này việc kia mà không được đáp ứng, cháu lập tức đánh mẹ. Nhiều khi chẳng vì việc gì nhưng con lên cơn sảng là lại đánh tôi bất thình lình. Cứ khoảng chiều chiều, tôi thường phải chịu các cơn bất thường của con. Tôi thì thất nghiệp, chồng con lại như vậy khiến cuộc sống vô cùng khó khăn", chị Thơ tâm sự.
Chính vì nỗi bức bách về kinh tế nên chị Thơ có ý định bán đi căn hộ chung cư là tài sản chung của vợ chồng để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, muốn bán căn hộ chung cư này thì công chứng viên yêu cầu chị Thơ phải có giấy ủy quyền từ chồng, hoặc chồng chị có Giấy giám định tâm thần ở các Trung tâm, Bệnh viện có chức năng này chứng nhận.
Chị Thơ khi đó đã về quê chồng ở Tiền Giang với mong muốn đưa chồng đi giám định tâm thần theo yêu cầu của công chứng viên. Nhưng gia đình bên chồng của chị Thơ lại không muốn cho anh Khiết đi.
"Đại diện gia đình anh Khiết đưa ý kiến, nếu tôi muốn đưa chồng tôi đi làm giám định tâm thần để có cơ sở ký bán nhà một mình thì tôi phải đưa lại gia đình 50 triệu để làm chi phí dắt anh Khiết đi lại, sau đó bán được nhà phải chia đôi tiền", chị Thơ kể.
Người phụ nữ này cho biết, căn hộ tại TP Thủ Đức mà vợ chồng chị có từ năm 2020 là do cha mẹ ruột của chị cho. Nhưng vì không hiểu rõ luật pháp về tài sản riêng nên chị Thơ đã không làm hợp đồng cho tặng từ cha mẹ kèm theo, dù trên giấy tờ chỉ có mình chị đứng tên.
"Anh Khiết bị bệnh ở nhà, không đi làm từ năm 2015 nên làm gì có tiền để mua nhà. Bao năm qua, chỉ có mình tôi vất vả, khổ sở đi làm lo cho chồng con. Giờ thì tôi khánh kiệt vì mấy năm liền thất nghiệp, con trai lại bị bệnh nên tôi đã phải vay lãi ở bên ngoài số tiền đến giờ là 350 triệu đồng.
Tôi đã cho thuê căn hộ và đi thuê nhà trọ ở quận 12 để lấy chút dư ra trang trải cuộc sống của 2 mẹ con. Nhưng do con trai tôi bị tâm thần, thường xuyên lên cơn, quậy và đánh tôi nên tôi phải chuyển phòng trọ thường xuyên, cuộc sống không nhà ở ổn định. Nếu không bán được căn hộ này, mẹ con tôi đang dần bước vào con đường cùng quẫn không lối thoát", chị Thơ tâm sự.
Theo chị Thơ, mỗi tháng, chị phải trả lãi hơn 17 triệu đồng, tâm trạng luôn thấp thỏm, lo âu, phải sống trong cảnh không có chỗ trú thân. Nhưng phía gia đình anh Khiết hơn 1 năm nay đã "giấu" anh đi, không cho chị tiếp cận chồng vì sợ chị đưa anh đi Giám định tâm thần để một mình bán nhà.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, anh Trung, công an khu vực phụ trách địa bàn chung cư Sunview Town, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, cho biết, vào thời gian dịch Covid-19, các anh đã thường xuyên nhận điện thoại nhờ giúp đỡ của chị Thơ mỗi khi chồng chị lên cơn tâm thần đập phá và đuổi đánh.
Đúng như lời kể của chị Thơ, công an khu vực đã hỗ trợ đưa anh Khiết đi khám bệnh tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM. Vì bệnh nhân tâm thần có nơi cư trú rõ ràng nên chỉ chữa bệnh tại nhà, không thực hiện biện pháp cách ly.
Theo anh Trung, con trai của chị Thơ-anh Khiết cũng có các biểu hiện bệnh giống như anh Khiết. Hiện, cả gia đình này đã không còn sinh sống tại chung cư.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn