Cuộc sống của lao động nữ khuyết tật càng bấp bênh vì Covid-19

14:45 | 22/04/2020;
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người lao động trên toàn thế giới. Với những lao động nữ khuyết tật, họ phải đối mặt với những thách thức còn lớn hơn.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện nay, thế giới có khoảng 1 tỷ người khuyết tật (chiếm 15% dân số toàn cầu) và 80% trong số này đang ở độ tuổi lao động. Cách đây 20 năm, Liên hợp quốc đã khẳng định, những lao động khuyết tật nữ ở mọi lứa tuổi là những người phải chịu thiệt thòi nhất, thậm chí còn thua kém rất nhiều so với những người nghèo bình thường.

Bình thường, các lao động khuyết tật nữ đã phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới: từ điều kiện làm việc, sinh hoạt hằng ngày cho đến chế độ đãi ngộ. Giờ đây, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tràn lan, tình cảnh của lao động khuyết tật nữ còn thê thảm hơn.

Lao động khuyết tật nữ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 - Ảnh 1.

Chị Anant Kumsawang làm việc tại Bangkok (Thái Lan) khi đại dịch Covid-19 chưa xảy ra

Chị Anant Kumsawang, 29 tuổi, là một người khiếm thị, quê ở tỉnh Nong Khai, miền Đông Bắc của Thái Lan. Để mưu sinh cuộc sống, chị phải lặn lội từ miền quê nghèo đến thủ đô Bangkok xin làm massage ở các cơ sở của người khiếm thị. Cuộc sống vốn đã khó khăn nhưng chị Kumsawang vẫn trụ lại được ở nơi phồn hoa đô thị cho đến khi cơn bão Covid-19 ập đến. Các cơ sở massage ở Bangkok đều đóng cửa và chị Kumsawang bị mất việc làm.

Với những lao động nữ bình thường, họ có thể mưu sinh bằng những công việc khác như bán hàng online, giao thức ăn… nhưng với một người khuyết tật như chị Kumsawang, giải pháp này là không khả thi. Chị Kumsawang đã li dị chồng cách đây 2 năm và hiện giờ, chị sống cùng cô con gái 4 tuổi. Không có thu nhập, người phụ nữ khốn khổ này đành chỉ biết dựa vào sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện và bạn bè để sống qua ngày, mong đại dịch sớm được kiểm soát để chị có thể đi làm trở lại.

Bà Deborah Bhatti, 50 tuổi, ở Manchester (Anh), không được may mắn như chị Kumsawang. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, bà là nhân viên nhập liệu cho cửa hàng đồ chơi trẻ em ở Manchester. Khi dịch bệnh diễn ra, doanh thu của cửa hàng sụt giảm và bà Bhatti rơi vào cảnh thất nghiệp. Bà Bhatti phải sử dụng xe lăn trong nhiều năm qua vì bị viêm khớp kinh niên. Ngoài ra, căn bệnh hen suyễn cũng khiến bà sử dụng đến 40 loại thuốc. Điều đáng nói là những người khuyết tật ở Anh như bà hiện nay lại không thuộc vào danh sách các đối tượng được hỗ trợ lương thực trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Số thực phẩm dự trữ đã cạn kiệt, thu nhập không có, người đàn bà khốn khổ và chú mèo sống cùng, chưa biết sẽ tồn tại như thế nào trong những ngày tới.

Theo thống kê của ILO, không chỉ có cuộc sống nghèo khổ, bấp bênh, lao động nữ khuyết tật còn phải chịu áp lực lớn trong việc kiếm tiền nuôi sống gia đình. Trong khi lao động nam khuyết tật chỉ chiếm 15,3% trong việc kiếm tiền thì con số này ở nữ giới là 22,2%. Trong bối cảnh dịch bệnh lan tràn, không chỉ vấn đề "cơm áo, gạo tiền", lao động nữ khuyết tật còn bị ảnh hưởng rất nhiều khía cạnh khác. Lao động nữ khuyết tật không được tiếp cận những dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chỉ có 17,9% sử dụng bao cao su khi quan hệ với bạn tình và 3,1% thừa nhận, họ không có kiến thức về bất kỳ biện pháp tránh thai nào. 11,6% lao động nữ khuyết tật thừa nhận họ bị kỳ thị vì chuyện vệ sinh cá nhân liên quan đến kinh nguyệt, trong khi con số này ở người bình thường là 7,2%.

ILO và rất nhiều tổ chức khác đang có những kế hoạch cụ thể để hỗ trợ lao động nữ khuyết tật vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh lan tràn như hiện nay. Mặc dù vậy, để giải quyết triệt để vấn đề này không phải là điều đơn giản.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn