Đường vào đồn Biên phòng A Vao, sau khi bị sạt lở từ những trận lũ năm 2020, đến giờ ôtô vẫn chưa đi nổi. Các chiến sĩ Biên phòng dùng xe máy cài số 1 đưa chúng tôi vượt qua những ngọn đồi nối tiếp nhau lên đỉnh dãy Trường Sơn. 10km đường nhưng phải đi hết 1,5 giờ đồng hồ để đến A Vao, một trong những xã biên giới khó khăn nhất của tỉnh Quảng Trị.
Ngôi nhà nhỏ bằng gỗ nơi các cháu đang ở vốn là phòng học của điểm trường mầm non cũ. Nhà cách Đồn biên phòng vài trăm mét và nằm sát vách Trạm Quân dân y kết hợp. Giữa trưa, các cháu nhỏ vừa đi học về, chuẩn bị ăn bữa cơm của cán bộ chiến sĩ Biên phòng. 2 chiến sĩ đi xe máy mang đến một nồi cơm và những khay thức ăn. Những đứa trẻ cùng nhau cất tiếng "chào ba" (các cháu nhỏ gọi cán bộ chiến sĩ Biên phòng được phân công chăm sóc là ba nuôi - PV), rồi ngồi ngay ngắn vào hàng ghế quanh chiếc bàn ăn. Các chiến sĩ mở nồi cơm nóng hổi xúc ra từng bát đưa cho các cháu. Những khay thức ăn cũng được bật nắp. Cơm hôm nay có trứng gà rán, cá biển chiên dầu, khoai tây xào mỡ hành. Lũ trẻ khoanh tay đồng thanh: "Chúng con mời ba ăn cơm".
Thượng úy Nguyễn Tấn Khiêm, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng A Vao, người được phân công trực tiếp chăm sóc các cháu, cho biết, mỗi cháu có khẩu phần ăn như một chiến sĩ của Đồn Biên phòng A Vao. Không chỉ quan sát các cháu ăn cơm và hỏi han về công việc học tập, thượng úy Nguyễn Tấn Khiêm còn gắp thức ăn cho những cháu nhỏ. Đại úy Nguyễn Văn Chinh, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng A Vao, cẩn thận lấy những chiếc kẹp tóc kẹp lại tóc cho các cháu gái để không vướng khi ăn cơm.
Gần 30 phút thì bữa cơm trưa kết thúc. Các cháu lớn đem bát đũa, khay đựng thức ăn cho vào chậu to rồi cùng nhau khiêng ra vòi nước rửa. Các cháu nhỏ thì xếp lại ghế ngay ngắn, đúng nơi quy định.
Căn nhà chỉ rộng khoảng 20m2 nhưng ngăn nắp. 3 chiếc giường được kê sát nhau ở một góc, chăn màn được gấp gọn gàng, giày dép, cặp sách, quần áo cũng được để ngăn nắp. Có được như hôm nay, các cháu đã được những "người cha" mang quân hàm xanh dạy dỗ từ những ngày đầu mới về.
Gia đình anh Hồ Văn Xúc, người Pa Kô, sống trong rừng, ngay sát đường biên giới Việt Nam - Lào, gần cột mốc 625. Đây là hộ gia đình duy nhất còn ở lại nơi đây khi cả bản đã di dời ra trung tâm thôn để thuận tiện cho việc đi lại, học hành...
Trong những lần tuần tra biên giới, các chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao thấy những đứa trẻ nhà anh Xúc sống lăn lóc giữa rừng, thiếu ăn, thiếu mặc và chưa từng được đi học. Năm 2018, thượng tá Ngô Đức Tuyến đề xuất với cấp trên xin được đưa lũ trẻ về làm con nuôi Đồn Biên phòng, để các cháu được đi học. Cùng với đó, lãnh đạo Đồn gặp gỡ chính quyền xã và Ban giám hiệu trường cấp 1- 2 đề nghị được hỗ trợ. Quyết định của thượng tá Ngô Đức Tuyến, Trưởng Đồn biên phòng A Vao, được cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng hưởng ứng. Đồn mượn căn nhà gỗ là phòng học cũ của điểm trường mầm non nằm sát vách với trạm Quân dân y, làm nhà cho các cháu ở.
Ngoài chị cả Hồ Thị Niêu, 8 em còn lại vẫn đang độ tuổi đi học. Những cháu vượt tuổi vẫn đi học từ lớp nhỏ nhất cùng các em.
Đưa được 9 đứa con nhà anh Xúc ra gần Đồn Biên phòng A Vao nhưng khó khăn mới chỉ bắt đầu với cán bộ chiến sĩ Biên phòng. Hồ Thị Niêu là chị cả nên là chỗ dựa cho các em lần đầu tiên sống xa gia đình. Thượng úy Nguyễn Tấn Khiêm nhớ lại, thời điểm các cháu ra sống tại điểm trường mầm non của thôn Pa Ling, chúng là những đứa trẻ nhút nhát. Đồn Biên phòng A Vao lúc đó đã cử thượng úy Hồ Văn Hùng, cán bộ người Vân Kiều nhưng anh cũng thông thạo tiếng và lối sống của người Pa Kô, đặc trách lo chuyện ăn ở sinh hoạt của các cháu. Ngoài ra, 2 cán bộ quân y ở trạm liền bên cũng sẵn sàng hỗ trợ thượng úy Hồ Văn Hùng chăm sóc các cháu.
Những ngày đầu đến ngôi nhà mới, các cháu nhỏ sợ sệt, toàn ngồi ở góc nhà tối. Có giường nằm cho các cháu nhưng chị em Hồ Thị Niêu vẫn bảo nhau chui vào gầm giường để ngủ. Đến bữa ăn, có bát đũa và khay thức ăn nhưng các cháu chỉ thích bê bát ngồi bệt giữa nhà bốc cơm đưa lên miệng. Không thích nằm trên giường, không biết bỏ màn hay đắp chăn, không biết đánh răng, rửa mặt bằng khăn, tắm rửa... Công cuộc đưa những đứa trẻ hòa nhập với cuộc sống mới của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao vẫn kiên trì thực hiện.
Đại úy Nguyễn Văn Chinh chia sẻ, phải mất hơn 6 tháng, các cháu mới đi vào nền nếp từ chuyện ăn ngủ, gấp chăn màn và cả chuyện đi học. Sau 2 năm, các cháu đã biết đọc biết viết, biết chăm sóc lẫn nhau trong những sinh hoạt tối thiểu dù vẫn cần các chú bộ đội Biên phòng bảo ban.
Ngoài kèm cặp các cháu học tập, ăn uống, sinh hoạt, cán bộ chiến sĩ của Đồn còn hướng dẫn các cháu chăm sóc vườn rau, vệ sinh khu vực xung quanh... Đến nay, những đứa trẻ đã bắt nhịp được với cuộc sống mới. Bàn ghế, chăn màn, đồ đạc cá nhân đều ngăn nắp. Năm ngoái, chị cả Hồ Thị Niêu đã lấy chồng. 8 đứa em vẫn ở lại làm con nuôi Đồn Biên phòng để ngày ngày đến lớp học chữ...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn