Những thay đổi tích cực
Thời tiết Mường Lát những ngày đầu hè khô, nóng rát. Người dân ở đây cho biết từ Tết Nguyên đán đến giữa tháng 4, trời chỉ đổ một cơn mưa đá thoáng qua trong ít phút. Gần đây, thời tiết có mưa nhiều hơn nhưng vẫn chưa đáng kể. Bởi vậy, quang cảnh trước mắt chúng tôi chủ yếu là những rừng cây đỏ lá, khô cành, đất đai cằn cỗi.
Từ trung tâm thị trấn huyện, chúng tôi đi vào quốc lộ 15C. Nhờ sự giúp đỡ của một số người trong thị trấn, chúng tôi băng qua cây cầu treo vắt ngang sông Mã rồi tiếp tục đi những con đường nhỏ chỉ đủ cho xe máy chạy một chiều. Nếu không phải là những tay lái quen, thật khó để có thể di chuyển ở khu vực này.
Trên đường đi, chị Hà Thị Nhơn cho biết, trước đây, đa phần đồng bào Khơ Mú ở Thanh Hoá sinh sống tại bản Na Pang, thuộc xã Tén Tằn. Là nơi đầu nguồn con suối, giao thông đi lại rất khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, người dân còn lạc hậu trong lao động sản xuất nên đói nghèo luôn bủa vây cuộc sống của nhiều hộ dân bản Na Pang.
Năm 1994, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn, bà con đã được chuyển xuống nơi ở mới và lấy tên bản là Đoàn Kết.
Sau khi huyện Mường Lát thực hiện sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Quốc hội khoá 14, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số Tén Tằn được sáp nhập vào thị trấn Mường Lát. Đoàn Kết vì vậy cũng không còn gọi là bản mà trở thành một khu phố.
Khu phố Đoàn Kết hiện nay có 169 hộ với hơn 750 nhân khẩu sinh sống. Là nơi có hơn 10km đường biên giới giáp huyện Sốp Bâu (Lào), cộng thêm địa hình chia cắt, Đoàn Kết nằm biệt lập, lặng lẽ giữa núi rừng phía Tây Thanh Hoá. Sau khoảng 15 phút di chuyển từ cầu treo, hiện ra trước mắt chúng tôi là một quần thể những ngôi nhà sàn truyền thống.
Dạo một vòng quanh khu phố, anh Cút Văn Dân - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố Đoàn Kết - cho biết, những năm gần đây, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, diện mạo của Đoàn Kết đã thay đổi đáng kể. Nhiều ngôi nhà sàn kiên cố, khang trang đã thay thế cho những căn nhà lụp sụp trước đó. Trục đường chính trong khu phố đã được đổ bê tông, điện sáng về tới từng nhà. Năm 2023, khu phố đã động viên được 38 hộ làm nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn.
"Thực hiện nếp sống mới, khu phố đã cơ bản xoá bỏ được một số hủ tục lạc hậu như ma chay, cưới hỏi rườm rà. Bây giờ bà con làm ma chỉ 2 ngày thôi là đưa đi chôn rồi. Còn ăn cưới thì tuỳ điều kiện của từng hộ. Chúng tôi cũng vận động không giết mổ nhiều, không thách cưới nhiều để bà con đỡ khổ vì vay mượn, nợ nần", anh Dân chia sẻ.
Điểm trường tiểu học Tén Tằn đã xuống cấp
Chúng tôi đến thăm khu phố vào buổi sáng nên hầu hết mọi người đều đang đi làm. Chỉ có tiếng nói cười của đám trẻ ở các điểm trường như xoá tan đi sự tĩnh mịch của vùng đất này. Theo đó, 95% trẻ em trong khu phố đã đến học tại điểm trường mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, điểm trường mầm non gần như chỉ là nơi trông giữ trẻ nhỏ với các giáo cụ học tập thô sơ. Ngay phía sau đó, những ngôi nhà cấp 4 cũ kĩ có nguy cơ sập trần bất cứ lúc nào đang là nơi học tập của các cháu cấp tiểu học. Tình trạng đó là sự mở đầu để chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của đồng bào nơi đây.
Thiếu sinh kế bền vững
Theo đó, cả khu phố hiện nay chỉ có 2 hộ thoát nghèo, 23 hộ cận nghèo và có tới 144 hộ vẫn được xếp trong danh sách nghèo. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Cút Văn Dân cho biết, cuộc sống của người dân ở đây vẫn nặng về tự cung tự cấp. Thời gian vừa qua, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tỉnh Thanh Hoá dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới, đất rừng đã được chia đến từng hộ gia đình.
Cấp uỷ và chính quyền địa phương rất tích cực hỗ trợ, hướng dẫn bà con hạn chế đốt rừng, sản xuất thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như lúa nước, sắn, xoan. Tuy nhiên, do đặc thù khí hậu ở Mường Lát rất khắc nghiệt, nhiều năm hạn hán kéo dài nên không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế.
Qua sự giới thiệu của Chi hội Phụ nữ khu phố, chúng tôi đến nhà chị Cút Thị Hồng (27 tuổi, khu phố Đoàn Kết) - một trong những hộ gia đình được xếp vào hàng khá giả ở đây. Trong căn nhà gỗ khang trang, chị Hồng mở một cửa hàng tạp hoá nhỏ. Nói là cửa hàng nhưng thực chất chỉ là vài chiếc giá sắt bày ít đồ gia vị nấu ăn, mỳ gói, quà vặt.
Chị Hồng kể, chị lấy chồng từ năm 17 tuổi, đến nay đã có 4 mặt con. Cuộc sống của chị cũng như bao phụ nữ Khơ Mú khác, ban ngày thì quẩn quanh với ruộng nương, chiều về chăm sóc con cái. Chồng chị cùng làm rẫy với vợ, thời gian còn lại anh tranh thủ đi phụ xây dựng. Chút kinh phí kiếm thêm từ việc buôn bán nhỏ và làm thuê phần nào giúp cuộc sống của gia đình chị "dễ thở" hơn so với các hộ dân khác.
"Gia đình tôi có 8 người. Năm nào được mùa thì cũng tạm đủ ăn, thi thoảng vẫn phải mua thêm. Còn như năm nay không có mưa, đến sắn cũng chẳng lên được thì chắc chắn phải mua gạo ở ngoài rồi. Tốn kém lắm!", chị Hồng thở dài.
Còn tại một căn nhà cũ xiêu vẹo, chị Lò Thị Ép (38 tuổi) cười buồn khi tâm sự, căn nhà chị đang ở đến cái cửa cũng chẳng có. Là một trong những hộ nghèo nhất ở Đoàn Kết, trong nhà chị không có có đồ đạc gì đáng giá. Trở về sau một ngày đi làm rẫy thuê, chị chưa có gì cho đứa con trai còi cọc ăn cải thiện ngoài mấy ngọn măng rừng.
Chia sẻ về nỗi trăn trở đối với đời sống của người dân nói chung, đặc biệt là phụ nữ Khơ Mú nói riêng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Lát Hà Thị Nhơn cho rằng kể từ khi triển khai thực hiện "Đề án ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơi Mú tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020", dân cư đã được sắp xếp theo hướng ổn định tại chỗ, thuận tiện trong sinh hoạt, không còn cảnh du canh du cư như xưa. Tuy nhiên, điều khiến chị cũng như các cấp các ngành trong tỉnh, huyện vẫn còn băn khoăn, đó là hiện nay, vấn đề sinh kế của bà con còn nhiều bất cập.
Căn nhà đơn sơ không có gì đáng giá của chị Lò Thị Ép (khu phố Đoàn Kết)
Nguyên nhân của tình trạng này được cho là vì trình độ của người dân còn hạn chế. Đồng bào Khơ Mú vẫn chịu ảnh hưởng bởi những phương thức canh tác lạc hậu, chưa biết cách chăn nuôi gia súc gia cầm để tăng gia mà chủ yếu để phục vụ việc tín ngưỡng, lễ tết, sinh hoạt gia đình. Cùng với đó, trên địa bàn huyện hiện nay cũng chưa có các nhà máy, cụm công nghiệp để tạo việc làm tại chỗ; người dân còn mang tâm lý ỷ lại vào các chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Do đó, dẫu luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, song cuộc sống của đồng bào Khơ Mú tại khu phố Đoàn Kết nói riêng và trên địa bàn huyện Mường Lát nói chung tuy có cải thiện, song vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.
Từ đó đặt ra bài toán cho địa phương trong việc phải làm sao để đảm bảo phát triển kinh tế, định hướng sản xuất song hành với giáo dục, đảm bảo quốc phòng - an ninh biên giới, giải quyết việc làm dựa trên điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, phong tục tập quán và trình độ của người dân; giúp đồng bào Khơ Mú cũng như đồng bào các dân tộc tại Mường Lát vững tin để vươn lên xây dựng đời sống ấm no, ổn định và phát triển miền biên viễn phía Tây Thanh Hoá.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, đồng bào dân tộc Khơ Mú có 224 hộ, trên 1.000 nhân khẩu tập trung chủ yếu ở huyện biên giới Mường Lát. Trong đó, 169 hộ sống tại bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (nay là khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát) và 55 hộ sống tại bản Lách (xã Mường Chanh).
* Còn nữa
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn