Trong những thập kỷ gần đây, tỷ lệ ly hôn tại ‘xứ sở Mặt trời mọc” đã tăng tới 66%; tuy nhiên, những phụ nữ đơn thân ở đây chưa bao giờ được chu cấp đầy đủ tài chính để nuôi con. Một mình họ phải gồng gánh nuôi con trong muôn nỗi nhọc nhằn.
Mẹ đơn thân khó kiếm việc làm
Theo ông Jeff Kingston, giáo sư tại Đại học Temple, khoảng 62% phụ nữ phải bỏ việc khi họ có con đầu lòng. Đến khi vợ chồng ly hôn, quãng thời gian họ nghỉ việc đã trở nên quá dài để bắt đầu lại mọi thứ.
Tại Nhật Bản, không có điều luật nào quy định quyền nuôi con chung nên phụ nữ thường là những người tự mình phải chịu trách nhiệm nuôi con sau ly hôn. Họ thường chỉ có khả năng tìm các công việc bán thời gian với mức lương thấp và thu nhập của họ ít hơn 30% so với đàn ông.
Qua nhiều cuộc nghiên cứu, tỷ lệ bà mẹ đơn thân trong lực lượng lao động ở Nhật Bản đang ở mức cao, lên tới 85% so với các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong số 77% phụ nữ Nhật Bản có trình độ đại học, muốn được đi làm sau ly hôn để tự mình nuôi con, chỉ 43% có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.
“Các công ty tại Nhật Bản thường tuyển dụng những người vừa tốt nghiệp để đào tạo và giữ họ lại làm việc, hơn là những bà mẹ đơn thân với giờ giấc không ổn định. Họ thường là những người có nguy cơ dễ mất việc nhất”, ông Jeff Kingston đánh giá trong cuốn sách “Nhật Bản: Một tương lai bấp bênh” cùng tác giả Machiko Osawa.
Mẹ đơn thân khó đòi chồng cũ hỗ trợ nuôi con
Theo nữ luật sư Masami Kittaka, khi một cặp vợ chồng muốn ly dị, họ sẽ phải điền vào tờ khai để làm thủ tục, trong đó có câu hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm chăm sóc con cái và thủ tục này chỉ cho phép họ được điền duy nhất 1 cái tên. Vì luôn lo lắng cho con, tên thường điền vào đơn ly hôn là phụ nữ.
Theo luật pháp Nhật Bản, các bà mẹ có thể kháng nghị để được nhận hỗ trợ từ chồng cũ cho việc nuôi con nhưng ngay cả quá trình này cũng rất cực nhọc. Để đệ trình lên tòa án, đề nghị chồng cũ phải có trách nhiệm hỗ trợ nuôi con, người vợ phải biết mức lương tiền và tài sản của chồng cũ.
“Nếu anh ta nhận được một công việc mới mà không nói gì với vợ, sẽ chẳng có cách nào để cô ấy có thể tìm ra được nơi làm việc cũng như số tiền mà chồng kiếm được. Vì thế, nhiều người mẹ đơn thân không thể kháng nghị để yêu cầu tiền hỗ trợ nuôi con. Thậm chí, nếu họ có thắng kiện đi chăng nữa, số tiền trợ cấp mà họ được nhận cũng rất thấp”, bà Kittaka cho biết.
Chính phủ ông Shinzo Abe đang nỗ lực trong việc khuyến khích nhiều phụ nữ tham gia lao động và cân bằng giữa công việc, gia đình. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn chỉ có tác dụng với rất ít phụ nữ đơn thân. Vả lại, các chương trình hỗ trợ ngày càng thu hẹp.
Bắt đầu từ năm 2003, khi càng ngày càng có nhiều phụ nữ Nhật ly dị và xin trợ cấp của chính phủ, thậm chí nước này còn thực hiện những cải cách lớn nhằm giảm bớt lợi ích đó: Khoản trợ cấp dành bị giảm xuống và giới hạn thời gian nhận trợ cấp. Theo giáo sư Kingston, đến năm 2006, chính phủ tiếp tục cắt giảm các khoản chi trả cho bà mẹ đơn thân.
Những người ủng hộ phúc lợi trẻ em tại Nhật Bản lo ngại rằng việc thiếu đi nguồn trợ cấp hợp lý cho các đối tượng này đang tạo ra một chu kỳ đói nghèo kéo dài và có nhiều đứa trẻ lớn lên trong điều kiện sống khó khăn.
Tự vươn lên của các mẹ đơn thân
Có một nhóm nhỏ phụ nữ nuôi con đơn thân đang thay đổi tư duy với chiến lược “Lên kế hoạch ngay từ đầu để thành công mà không cần có sự hỗ trợ tài chính của những người đàn ông. Nổi bật là chị Mari Takada, người đứng đầu nhóm “Làm mẹ đơn thân là một sự lựa chọn”. Chị Mari chia sẻ rằng chị đã hẹn hò với một người đàn ông trong nhiều năm, có con mà chưa bao giờ anh ấy quan tâm đến việc nuôi dạy trẻ.
Chị cho biết nếu cưới, chị sẽ phải nghỉ việc và chăm sóc đứa trẻ, chăm sóc cả anh ấy. Thay vào đó, chị quyết định chia tay nhưng yêu cầu anh ấy có trách nhiệm với đứa trẻ. Anh ấy đồng ý và hiện tại cô ấy đang là một người mẹ đơn thân của đứa con gái 10 tuổi.
“Tôi nghĩ rằng tôi có thể tự làm tất cả mọi thứ, Vì vậy, tôi cũng không cần một người đàn ông”, chị Takada cho biết. Hiện chị Takada điều hành công việc kinh doanh thiết kế website tại gia do mình làm chủ.
Bà mẹ đơn thân Shinobu Miwa (45 tuổi) cũng đã tìm được công việc thư ký thông qua chương trình “Xin chào việc làm” (Hello Work) của chính phủ.
Chương trình này được tổ chức nhằm tạo công ăn việc làm cho những người lao động khó xin việc. Hiện chị Miwa chỉ làm 5 tiếng/ngày, tạm đủ để thuê nhà, chi tiêu cho cuộc sống của chị và con trai 13 tuổi mắc chứng tự kỷ.