Chị Hiền năm đó 28 tuổi. Ở quê, chị đã được liệt vào hàng “ế bền vững”. Còn anh Minh mới 26, trông khá bảnh trai, nhưng vì mẹ anh bị cúm khi mang bầu anh nên trí tuệ anh không bình thường, không đi học được. 26 tuổi, anh chỉ ở nhà làm các việc vặt phụ mẹ. 2 nhà cách nhau 1 con mương nhỏ nhưng hầu như chị Hiền không biết gì về anh Minh. Đến lúc dì chị gợi ý với bố mẹ về anh, chị mới bắt đầu quan sát và hỏi thông tin. Không biết có phải là duyên số mà chị thấy anh hiền lành, nhân hậu, thương và chăm sóc mẹ, chứ không hề để ý đến việc anh lơ ngơ.
Năm đó, anh đã từng được mai mối với nhiều người nhưng các cô hay người nhà các cô gặp anh xong lại “chờn”, lảng dần ra. Một trong những lý do chính là anh nói ngọng, hầu như không nghe ra tiếng gì rõ ràng, phải tự đoán ý mà hiểu. Khi biết chị đồng ý, mẹ anh mừng chảy nước mắt, chạy ngay sang nhà chị, nắm lấy tay chị lắc lắc cảm ơn mãi. Chị nhớ mãi câu mẹ anh nói: “Con mẹ thật may mắn đời này có con. Nhưng con sẽ thấy hài lòng vì Minh tình cảm và yêu gia đình lắm”.
Đám cưới của anh chị không tổ chức linh đình, chị không mặc váy cô dâu nhưng rất đầm ấm. Họ hàng đôi bên có mặt ở nhà anh chị suốt ngày hôm trước, cả ngày hôm cưới rồi mà không ai muốn về. Đám lại mặt đúng là to hơn đám cưới, mọi người rôm rả trò chuyện, cùng ngồi hoạch định tương lai cho anh chị.
Nhưng chẳng có gì trên thực tế giống như những điều mọi người tính trước. Anh nhất định không ở chung với bố mẹ mà xin sống riêng với vợ. Lúc đầu, chị lo vợ chồng mới cưới, chả có nhiều vốn, lương công nhân của chị không cao, hai vợ chồng biết xoay sở làm sao. Anh suốt ngày ở nhà một mình thì ai chăm lo cho anh, chắc anh sẽ rất buồn. Nhưng anh biết tìm niềm vui cho mình trong các giò phong lan, những giá rau sạch và các chậu cây cảnh. Bữa cơm tươi của vợ chồng hầu như không phải đi chợ vì ao có cá, tôm, ốc, chuồng có lợn, gà, vịt, chim bồ câu. Mỗi cái Tết, anh đều bán được 30-40 chậu cây cảnh. Tính ra, tổng thu nhập của anh cao gần gấp 3 so với lương của vợ.
Ngày chị mang bầu, anh chạy bộ hơn 1 cây số về báo tin cho 2 mẹ. Rồi anh hỏi cách nấu cháo cá chép, cách luộc trứng ngỗng, cách hầm gà, chim câu để tự tay làm các món bồi bổ cho hai mẹ con. Chị sắp đến ngày sinh, một hôm đi làm về anh kéo vào trong buồng thì chị choáng với 1 giường phủ kín đồ dùng sơ sinh. Anh còn mua cho chị 2 cái áo ngực dành cho bà bầu cho con bú. Chị cầm tay anh để kìm cơn xúc động cứ dâng đầy mắt ầng ậng nước.
Con gái sinh thiếu tháng nên nhỏ bé và hay quấy đêm. Anh luôn giục chị vào buồng ngủ, để anh chơi và dỗ con. Đến lúc con ăn dặm, một tay anh quấy bột, nấu cháo, hầm rau củ, mua hoa quả cho con ăn. Mỗi lần có lịch tiêm chủng, anh lại cẩn thận lấy giấy tờ cất đầy đủ trong 1 cái cặp nhỏ để cùng chị đưa con đi tiêm.
Cứ tưởng anh mừng đón con đầu nên chăm chút thế nhưng khi chị mang bầu và sinh con gái thứ hai, anh vẫn lo lắng chu toàn mọi việc. Con chưa biết mút sữa nên ti chị căng đau, anh lại bảo vợ chuẩn bị 4-5 câu hỏi ra giấy chạy đi nhờ bác sĩ hướng dẫn. Sau 1 lần cô ý tá chỉ cho cách vắt sữa cho chị, anh đã làm thành thục. Đặc biệt, anh làm không bị đau mà duy trì được sữa về đều. Có lẽ vậy mà đứa sau chị tiết sữa tốt hơn, trộm vía con bú sữa mẹ phởn phơ, lớn nhanh như thổi.
Đến giờ, anh vẫn chăm sóc ba mẹ con như vậy. Anh vẫn chỉ ú ớ nói được những từ ngắn, nhiều lúc các âm giống nhau. Anh vẫn cần mẫn ở nhà chăm sóc nhà cửa, vườn tược, cơm nước. Anh vẫn ngồi cùng các con học bài đến khuya mỗi kỳ thi. Anh vẫn hay nổi cáu nếu mọi người không về đúng giờ. Và ba mẹ con chị hiểu anh, biết anh nói gì. Ba mẹ con chị vui với sự chăm sóc của anh. Cả 2 con gái đều thích cảm giác được bố ngồi đó lặng lẽ ngắm chúng học bài. Ba mẹ con luôn mong làm xong công việc ở nhà máy, học xong ở trường để trở về với người chồng, người cha đang trông ngóng họ.