Vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới
Nga trở thành nước đầu tiên trên thế giới có vaccine Covid-19 được phép sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Lô vaccine đầu tiên sẽ được Nga sử dụng cho các y bác sĩ, giáo viên và quân đội. Ngoài ra, con gái của Tổng thống Nga cũng được tiêm vaccine này.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư (City of Hope, California, USA) cho rằng, vaccine của Nga được phát triển dựa trên nền tảng sử dụng 1 loại virus khác (trong trường hợp này là adenoviruses) ít độc hơn, mang 1 phần của virus nCoV (trong trường hợp này là protein S). Vaccine này được thiết kế để chích vào cơ của cơ thể người. Virus này sẽ tổng hợp protein S của virus nCoV, qua đó hệ miễn dịch học được cách nhận biết virus nCoV (gây dịch Covid-19) qua cách nhận biết protein S này. Đây cũng là cách mà nhiều loại vaccine trên thế giới hiện nay đang được phát triển với các hướng tiếp cận khác nhau.
Tuy nhiên, vaccine Sputnik V chưa trải qua thí nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Đây là giai đoạn cần nhiều người tham gia (từ vài trăm, vài nghìn đến vài chục nghìn người) và có các nhóm đối chứng khác nhau. Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, giai đoạn 3 là giai đoạn quan trọng nhất để "chứng minh" độ an toàn và hiệu quả của thuốc/vaccine trước khi được sử dụng đại trà.
Hiện vaccine trên đã được nhiều nước đăng ký đặt mua. Theo thông báo, phía Nga đã nhận được đơn hàng với khoảng 1 tỷ liều vaccine Covid-19 từ 20 quốc gia.
Trước thông tin Nga đã có vaccine ngừa Covid-19, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam luôn xác định phải có vaccine ngừa dịch bệnh này thì cuộc sống của người dân mới trở lại bình thường. Vì vậy, với bất kỳ nước nào nghiên cứu thành công vaccine phòng Covid-19, Việt Nam sẽ nỗ lực đàm phán, mua để người dân trong nước sử dụng.
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết, Bộ Y tế đang phối hợp với các nhà cung cấp vaccine trên thế giới để thực hiện mua và phối hợp sản xuất vaccine, trong đó có Nga, Anh, Mỹ và các nước khác. Riêng với Nga, Bộ đã có văn bản gửi Chính phủ để đề xuất danh mục đề nghị Chính phủ Nga tài trợ, trong đó có vaccine phòng, chống Covid-19.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Tuấn Cường, việc cung cấp vaccine phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất. Hơn nữa, kể cả khi có vaccine từ nước ngoài nhập về, Việt Nam vẫn phải thực hiện quy trình thử nghiệm trong nước trước khi đưa vào sử dụng cho cộng đồng. Do đó, nếu có vacine của nước ngoài thì cũng phải vài tháng sau, tức đến khoảng giữa năm 2021 Việt Nam mới có thể tiêm cho cộng đồng.
Đẩy mạnh các nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước
Ngoài việc đăng ký mua vaccine của nước ngoài, Việt Nam cũng đẩy mạnh các nghiên cứu để sản xuất vaccine trong nước. Theo Bộ Y tế, hiện nay, công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 của Bộ Y tế (Vabiotech) đang phối hợp với trường Đại học Briston của Anh nghiên cứu sản xuất vaccine theo công nghệ vector virus. Thời gian qua, các nhà nghiên cứu đã tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 trên động vật. Kết quả, kháng nguyên của vaccine đáp ứng được miễn dịch. Đặc biệt, vaccine đảm bảo về an toàn và hiệu quả, phòng được virus Corona. Công ty dự kiến sẽ thử nghiệm trên động vật một lần nữa trước khi thử nghiệm chính thức trên người (dự kiến mất từ 4 đến 9 tháng). Sau đó, cần thêm 2-3 tháng nữa để hoàn thành các giai đoạn sản xuất và có thể đưa vaccine ra sử dụng chính thức.
Ngoài Vabiotech, Viện Vaccine và sinh phẩm Y tế Nha Trang (IVAC) đang phối hợp với tổ chức PATH của Mỹ để sản xuất vaccine trên cơ sở quy trình sản xuất vaccine cúm mùa và cúm đại dịch theo chương trình hợp tác quốc tế với các đối tác của Thái Lan, Ấn Độ, Brazil và Serbia.
Bên cạnh đó, các đơn vị khác như Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế POLYVAC và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN cũng đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19. Bước đầu cho thấy kết quả khả quan, cố gắng cuối năm 2020 thử nghiệm lâm sàng. "Với tốc độ nghiên cứu như hiện nay, dự tính khoảng cuối năm 2021, Việt Nam có thể sẽ có vaccine phòng Covid-19. Nếu thành công thì thời gian như vậy cũng là nhanh, bởi lâu nay, phải mất 5-6 năm để cho ra một vaccine mới", GS Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Chương trình Phát triển vaccine phòng bệnh cho người (Bộ Y tế), chia sẻ.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cũng cho biết, hiện Bộ Y tế đang tìm mọi phương pháp, mọi góc độ để tiếp cận vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, dù vaccine nhập khẩu hay vaccine trong nước thì sớm nhất cũng phải đến 6 tháng cuối năm 2021 mới có vaccine. Do đó, người dân vẫn phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn