Cười ra nước mắt với hý họa bình đẳng giới

22:47 | 01/03/2016;
Các bức tranh dự thi Vẽ hý họa về bình đẳng giới, dù không cần một lời chú thích, vẫn khiến người xem hiểu, cười, suy nghĩ, thậm chí khóc trước các khía cạnh bất bình đẳng nam nữ.
Giải nhất: Công bằng nhưng không bằng. Tác giả: Nguyễn Vũ Xuân Lan.

Giải thưởng cuộc thi Vẽ hý họa về bình đẳng giới đã được trao tối 1/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội). Giải Nhất thuộc về tác phẩm có tên Công bằng nhưng không bằng của tác giả Nguyễn Vũ Xuân Lan - một giáo viên tiếng Anh.

Tại lễ trao giải, Xuân Lan cho biết: Bức hý họa này thể hiện sự bất bình đẳng nam nữ rõ rệt trong xã hội. Nhân vật chính đứng giữa là được lấy ý tưởng từ Thần Công Lý cầm cân, là người có thẩm quyền, có ảnh hưởng, lẽ ra phải công bằng. Tuy nhiên nhân vật đã thiên vị, làm cán cân nghiêng về nam giới. Nhân vật này được chọn là nam giới, thể hiện trong xã hội hiện nay nam giới vẫn được trao nhiều quyền hơn.

Xuân Lan (phải) bên tác phẩm giành giải Nhất cuộc thi hý họa.

Với giải Nhất này, Xuân Lan được nhận một chuyến đi thăm vương quốc Bỉ, có cơ hội gặp gỡ giao lưu với các họa sỹ chuyên nghiệp và các nhà xuất bản nổi tiếng của Bỉ - đất nước của hý họa và hoạt hình.

Các tác giả Nguyễn Duy Thanh và Trần Thu Hương được nhận giải Nhì và Ba.

Giải nhì và giải Khán giả bình chọn thuộc về tác giả Nguyễn Duy Thanh.
Tác phẩm giành giải Ba của tác giả Trần Thu Hương.

Cuộc thi Vẽ tranh hý họa về bình đẳng giới do Đại sứ quán Bỉ phối hợp với Cơ quan LHQ về bình đẳng giới (UN Women) và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Đây là lần đầu tiên một cuộc thi như thế này được tổ chức tại Việt Nam. Ngoài giải thưởng của Ban giám khảo, các tác phẩm còn nhận được hơn 10.000 lượt bình chọn trên Facebook.

Bà Jehanne Roccas, Đại sứ Vương quốc Bỉ cho biết: "Hý họa là một hình thức biểu hiện rất phổ biến ở Bỉ. Chúng tôi có bảo tàng hý họa lớn nhất thế giới. Tôi cho rằng người Việt Nam cũng sẽ thích biểu hiện thái độ theo cách tương tự. Tôi thực sự ngạc nhiên với chất lượng nghệ thuật các bức tranh. Ban giám khảo đã chọn được 40 bức tranh từ hơn 116 tác phẩm dự thi để vào vòng chung kết, đó thực sự là một công việc khó khăn và thú vị. Dù không có lời chú thích nào, các tác phẩm vẫn đủ làm chúng tôi cười, suy nghĩ, thậm chí khóc". Theo Đại sứ Roccas, cuộc thi này có tác động làm thay đổi suy nghĩ của người Việt Nam về bình đẳng giới, tuy không thể là ngày một ngày hai nhưng sẽ tác động dần dần.

Trả lời báo chí, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết nhận xét: Cuộc triển lãm có ý nghĩa góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng đặc biệt giới trẻ về bình đẳng giới. Việt Nam đã hết sức nỗ lực phấn đấu cho sự bình đẳng nhưng ở khía cạnh nào đó người phụ nữ vẫn chịu sự bất bình đẳng. Bà Tuyết nói: "Cá nhân tôi thấy cuộc thi đã phản ánh đầy đủ sự bất bình đẳng, đặc biệt sự thiệt thòi của phụ nữ kể cả ở trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Tôi rất tâm đắc với tác phẩm giành giải Nhì của một bạn nam, đã phát hiện ra khía cạnh rất tinh tế là lựa chọn giới tính từ trước khi sinh. Giải nhất cũng cho thấy phụ nữ không được bình đẳng khi người cầm cân nảy mực thiên vị".

Họa sĩ Lý Trực Dũng, thành viên Ban giám khảo thể hiện quan điểm khá mạnh mẽ về chủ đề của cuộc thi: "Với tư cách một người đàn ông, tôi phải nói rằng phụ nữ VN phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Chúng ta có 2 cuộc chiến, mà trong bất kỳ cuộc chiến nào người thua cuộc nhất vẫn là phụ nữ".

Dưới đây là một số tác phẩm dự thi Vẽ hý họa về bình đẳng giới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn