Chiều 4/11, tại Bảo tàng Văn hóa Nghệ thuật Đông Dương (Hải Phòng) đã diễn ra buổi giới thiệu cuốn truyện dài Biến tấu của ký ức của tác giả Phạm Ngọc Định. Tham dự sự kiện có nhiều gương mặt tên tuổi như nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ (Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng), nhà văn Nguyễn Đình Tú, nhà văn Phong Điệp…
Tác phẩm Biến tấu của ký ức lấy bối cảnh chính năm 1972, khi Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, với những trang viết xoay quanh các gia đình Hải Phòng thời ấy. Thông qua cuốn sách, độc giả có thể hình dung về một Hải Phòng hiên ngang, kiên cường trong những năm tháng tháng chiến tranh ác liệt. Trong đó đậm nét là hình ảnh của người phụ nữ và những đứa trẻ đất Cảng. "Tôi cảm phục, ngưỡng mộ tình mẫu tử của những người mẹ Việt Nam. Không điều gì có thể so sánh được với tình yêu và hy sinh của người mẹ dành cho con mình", Phạm Ngọc Định chia sẻ.
Một điều đặc biệt, tác giả của cuốn sách từng là một tử tù, sau đó được giảm án xuống chung thân rồi được đặc xá. Tác giả Phạm Ngọc Định cho biết: Năm 1999, sau khi bị bắt và tòa tuyên án tử hình, trong những ngày đợi ra pháp trường, ông ngồi ngẫm về cuộc đời mình. Thôi thúc trong ông là phải làm được một điều gì đó để trả nợ cuộc đời. Ông tìm đọc sách báo và trở nên… nghiện chữ. Đến mùa xuân năm 2004, ông nghe được chương trình gặp gỡ của Thủ tướng với văn nghệ sĩ qua sóng phát thanh. Lời kêu gọi các nhà văn sáng tác của Thủ tướng đã thôi thúc ông cầm bút viết văn để lưu lại những tâm tình, suy nghĩ của mình.
Ở trong trại giam, không có giấy viết, Phạm Ngọc Định đã nghĩ cách tác đôi những trang báo của ấn phẩm Thế giới Phụ nữ của Báo Phụ nữ Việt Nam để viết lên đó. Càng viết ý tưởng càng tràn ra khiến tôi cuống quýt, muốn viết thật nhanh. Có những ngày tôi viết được 20 trang. Tôi chỉ sợ đang viết thì đến ngày mình phải trả án, mình không kịp hoàn thành tác phẩm dang dở", ông cho biết. Đến khi được giảm án, được sự động viên, tạo điều kiện của cán bộ quản lý trại giam, ông viết một cách thoải mái hơn. Những bản thảo sau này được ông gửi nhờ nhà văn Nguyễn Đình Tú cất giữ và đến nay, sau gần 10 năm kể từ ngày được đặc xá để hòa nhập cuộc sống, một phần của những trang viết từ song sắt được ông chính thức cho ra mắt độc giả.
Chia sẻ trong buổi ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cho rằng, Biến tấu của ký ức đã lột tả được tận cùng sự khốc liệt của chiến tranh. Theo ông, bên cạnh nội dung thì cuốn sách còn chạm đến cảm xúc người đọc bởi được sáng tạo trong hoàn cảnh hết sức đặt biệt: Trong nhà giam, từ một người tử tù. "Trong hoàn cảnh ấy, những ký ức trong trẻo và đầy tự hào về chiến tranh nhân dân của đất nước ta, những trò chơi dân gian vẫn được kể lại hết sức tự nhiên và chân thực. Đó là điều rất tuyệt vời, khi những trang viết được tạo ra bởi con người tưởng chừng đã mất hết giá trị với cuộc đời. Có thể nói, văn học đã cứu rỗi con người, làm sống lại ký ức, làm ký ức ấy ngân vang trong tâm hồn con người, mang lại sự tốt đẹp cho xã hội", nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nói.
Hiện tại, sau khi tái hòa nhập cộng đồng, Phạm Ngọc Định sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và tiếp tục viết văn. Ngoài Biến tấu của ký ức, trong thời gian ở trại giam ông còn viết được 2 tập bản thảo khác. Những trang viết trong tù và sau khi ra tù vẫn đang được ông tiếp tục chỉnh sửa để có thể giới thiệu với độc giả trong thời gian tới.
Cũng trong buổi ra mắt sách Biến tấu của ký ức, tác giả Phạm Ngọc Định đã trao tặng sách cho 10 trường học ở Hải Phòng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn