Đó là những bộ sách không thể thiếu nhưng phần nào khó tiếp cận với bạn đọc trẻ tuổi, bạn đọc phổ thông. Trong "Tình ca tiếng nước ta", tác giả Dương Thành Truyền chọn cách đắm mình vào tiếng Việt tràn ngập sự sống ngoài vỉa hè, trên mạng, trong quán nhậu, báo chí, thể thao.
Anh quan sát và ghi chép lại những phát hiện về cách dùng và "chơi" với tiếng Việt với tâm thế cởi mở, đặt ngôn ngữ trong sự phát triển của cuộc sống và giao lưu văn hóa đa chiều.
Sách được chia thành 2 phần chính: Phần 1 "Riêng một góc trời" giới thiệu và phân tích những kiểu chơi chữ mà chỉ tiếng Việt mới có thể vận dụng được. Đó là những màn "ảo thuật" với chữ khó lòng chuyển ngữ và cũng rất khó hiểu với người nước ngoài, vì nó gắn với đặc trưng ngôn ngữ và văn hóa.
Trong phần này tác giả bàn về Can-Chi và cách lý giải trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam; cách đố chữ vận dụng chữ Hán, chữ Nôm, câu đối, thơ xưa, đọc thuận đọc nghịch…
Hoặc những ví dụ về chữ cái một thời gắn liền với lịch sử. Như thế hệ ngày nay không hiểu từ "đi B". Trong kháng chiến chống Mỹ, "đi B" nghĩa là "đi vào chiến trường Nam Bộ".
Phần 2 "Biên bản từ cuộc sống" là kho sưu tầm công phu những thủ thuật chơi chữ xuất hiện từ báo đến sách, từ phát thanh đến truyền hình, từ văn bản hành chính đến thông điệp quảng cáo, từ tiếng nói sân khấu đến ca từ trong ca khúc, từ phát biểu nghị trường đến bình luận thể thao, từ lời ăn tiếng nói hàng ngày đến cuộc đấu khẩu bên bàn nhậu, sân tập, ván cờ…
Với tình yêu tiếng Việt sâu sắc, sự sắc sảo của một nhà báo - người nghiên cứu ngôn ngữ, tác giả cho rằng "đâu đâu cũng cho ta cơ hội nhận ra vẻ đẹp, sự đặc sắc và sức mạnh diễn đạt của tiếng Việt, của văn hóa Việt".
Tác giả Dương Thành Truyền quan niệm tiếng Việt có sự đóng góp của mỗi người, dù vô tình hay cố ý: "Từng người trong muôn người cùng góp vào giai điệu nghĩ suy và tiết tấu giao tiếp bằng nguồn chất liệu vừa xưa cũ và hồn nhiên, vừa tươi mới mà sáng tạo".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn