Đưa tín ngưỡng về luồng chảy xưa
Chia sẻ về dự án mình đang phụ trách, bà Đàm Lan, Giám đốc sản xuất bộ phim cho biết: “Trước đây, đến với tâm linh tôi chỉ nghĩ đơn giản là ra chùa, đền đi lễ, xem hầu đồng cũng chỉ cảm thấy hay và thú vị. Đầu năm 2017, nhận được đề nghị hợp tác về liên hệ sản xuất phim tài liệu cho các đền phủ, tôi đã bắt đầu tìm hiểu để bắt tay triển khai chương trình.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu và nghiên cứu về tín ngưỡng tôi thấy giá trị của tín ngưỡng không đơn giản như những gì mình nhìn thấy. Càng tìm hiểu càng nhận thấy giá trị của tín ngưỡng cực kỳ to lớn và ý nghĩa, tôi ý thức mình phải làm thật bài bản và đầy đủ một seri phim về tín ngưỡng thờ Mẫu từ tính chất nội sinh, giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần đến bản chất của tín ngưỡng thờ Mẫu, nhất là thờ Mẫu Tam Tứ phủ. Tôi muốn qua mỗi thước phim xây dựng một cuốn từ điển sinh động bằng hình ảnh về tín ngưỡng nội sinh của người Việt”.
Bà Đàm Lan thừa nhận, bà có rất nhiều điều băn khoăn trong quá trình khảo sát tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu và cũng chính điều băn khoăn ấy là động lực thôi thúc bà làm phim. “Vì hay, vì đẹp, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhưng hay, đẹp thế nào thì phần lớn cộng đồng không biết tới. Có người hỏi tôi múa hát thì lên sân khấu, sao lại múa may quay cuồng trước ban thờ (!)...”.
Thậm chí, theo bà Đàm Lan chia sẻ, nhiều ông đồng bà cốt khi được hỏi, họ hiểu cái lung linh, huyền diệu của tín ngưỡng nhưng chỉ dừng ở đó, còn giá trị ở đâu thì không nói cụ thể được. Nếu gặp những người không tin vào tín ngưỡng, cho rằng đó là mê tín dị đoan thì họ không đủ ngôn từ, lý lẽ để giải thích mà thường dẫn chứng câu chuyện họ đã va chạm về tâm linh, thì càng đẩy người ta đến tư duy mê tín. Tâm lý đó khiến di sản không được nhìn nhận đúng nghĩa. Cho nên làm thế nào đưa tín ngưỡng về luồng chảy xưa; bảo tồn, phát huy thế nào cho hợp thời đại... là thách thức lớn.
Xa rời gốc tín ngưỡng vì... phát huy thái quá
Khó khăn nhất là dự án phim tài liệu Mẹ Việt không có một hệ thống tài liệu đầy đủ để căn cứ. Đứng trên góc độ của nhà nghiên cứu về văn hóa tín ngưỡng, ta sẽ có những nét đặc sắc về văn hóa. Đứng trên góc độ của nhà nghiên cứu mỹ thuật sẽ thấy sự phong phú, sáng tạo của mỹ thuật. Đứng trên góc độ nhà nghiên cứu kiến trúc sẽ thấy được sự khoa học cũng như tinh tế của ông cha. Hay đứng trên góc độ nghiên cứu tâm linh ta sẽ thấy sự lung linh huyền diệu của một tín ngưỡng nội sinh của dân tộc... Một trong những nét đặc sắc của tín ngưỡng chính là yếu tố vùng miền và tính tự vận động biến đổi theo lịch sử phát triển của đất nước...
“Làm thế nào để tôn trọng lịch sử, tôn trọng khoa học, tôn trọng văn hóa, tôn trọng yếu tố vùng miền, yếu tố thời đại, tôn trọng tâm linh... để lột tả và xây dựng nên một bức tranh tổng thể nhất, hoàn chỉnh nhất về tín ngưỡng là một trong những thử thách lớn của đoàn làm phim. Chính vì thế, chúng tôi đã phải mời một lực lượng lớn từ nhà nghiên cứu, thực hành tín ngưỡng, người chắp táp tại các ngôi đền, phủ hoặc những người giữ thần phả hoặc văn bản cổ của các cụ xưa... để trợ duyên cho chúng tôi trong dự án này”, bà Đàm Lan nói.
Theo bà Đàm Lan, khoảng 2 năm sau khi được công nhận di sản, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ đang ở thời kỳ hoàng kim, rực rỡ. “Nhưng gì phát triển nhanh quá cũng có cái nguy hiểm do mặt trái xuất hiện ngày càng nhiều. Đó cũng là lý do tôi muốn bộ phim đưa mọi người hiểu đúng tinh hoa di sản để hành xử đúng đắn”.
Thời buổi kinh tế phát triển ngày càng làm đẹp cho tín ngưỡng, nhưng có những cái có thể phát huy, cũng có những cái nên bảo tồn để giá trị của tín ngưỡng ngày càng tăng lên chứ không bị mai một... Có những thứ phát huy thái quá dẫn đến xa rời cái gốc của tín ngưỡng, đường hướng mà các Ngài xây dựng để hướng thiện, hướng tâm cho con người... Hay tình trạng kinh tế hóa tín ngưỡng, Tam tứ phủ hóa các đền phủ... Kỳ vọng của những người làm phim là khán giả hiểu rằng ngoài yếu tố tâm linh, huyền diệu thì tín ngưỡng này còn có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học...
“Trên hết, tôi mong họ có một hệ thống thông tin đầy đủ về tín ngưỡng để biết tự bảo vệ mình trước mặt trái của tín ngưỡng. Điều chúng ta vẫn lo ngại, như thương mại hóa, bói toán dọa nạt... sẽ không còn khi người ta thực hiểu về tín ngưỡng”, bà Đàm Lan khẳng định.
"Mẹ Việt" là dự án sản xuất phim tài liệu về Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt do bà Đàm Lan làm chủ nhiệm. Phim dài 108 tập, có thời lượng từ 12 đến 18 phút mỗi tập, nhằm tạo nên bức tranh tổng thể về tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc độ lịch sử, khoa học, văn hóa và tâm linh... Phim được chia thành 5 phần, ở mỗi phần và mỗi tập cụ thể sẽ cung cấp một thông tin, một thông điệp và giải quyết một thắc mắc cơ bản về vấn đề đó. Chẳng hạn mở đầu phim là: Tín ngưỡng của người Việt: Người Việt thờ gì? Tín ngưỡng của họ là gì? Tại sao họ lại sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ Nhân thần, Thiên thần...? Tại sao lại là Tam Tứ Phủ? Tại sao lại hầu đồng, hầu bóng? Những ai có thể hầu đồng hầu bóng?... |