Một cơ sở dữ liệu, gồm một bản đồ chiến trường chi tiết tại khu vực tỉnh Phước Tuy trước đây (gần như địa bản tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hiện nay và thêm quần đảo Trường Sa), được cho là nơi chôn cất 3.800 người Việt Nam sau các cuộc giao tranh với binh sỹ Australia và New Zealand, đã được trao cho phái đoàn Việt Nam thăm Canberra.
Phái đoàn do Cục trưởng Cục Chính sách thuộc Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Trần Quốc Dũng dẫn đầu.
Phát biểu tại lễ bàn giao, Thiếu tướng Trần Quốc Dũng cho biết: "Dự án trên đã góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước nói chung và quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Australia nói riêng. Gia đình của các chiến sỹ này đang ngày đêm mong ngóng thông tin về số phận người thân của mình."
Về phần mình, nhà sử học quân sự tại Đại học New South Wales, cũng là cựu chiến binh Việt Nam đứng đầu nhóm cựu binh trên, ông Bob Hall khiêm tốn cho biết: "Đó là việc đúng đắn cần làm."
Cơ sở dữ liệu trên là kết quả của cuộc nghiên cứu không mệt mỏi kéo dài gần 10 năm qua của ông Hall và một nhóm các cựu binh.
Dự án mang tên “Chiến dịch những linh hồn lang thang-đưa họ về nhà” (Operation Wandering Souls-Bringing Them Home), với niềm tin rằng bản đồ chiến trường có thể giúp xác định địa điểm chôn cất những người lính Việt tử trận, giúp thân nhân họ tìm đến và đưa nhiều "linh hồn lang thang" về yên nghỉ.
Dự án đã nhận được sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng Australia. Bộ trên khẳng định đó là chuyện cần làm, xét về đạo đức hay luân lý.
Cuộc bàn giao trên là một phần của quá trình xích lại gần nhau hơn giữa các cựu thù chiến tranh. Việt Nam đã giúp Australia tìm kiếm và hồi hương 6 nhân viên quân sự mất tích trong chiến trận.
Hồi tháng trước, ông Scott Morrison đã trở thành Thủ tướng Australia đầu tiên thăm Việt Nam sau 25 năm.
Tổng cộng khoảng 200.000 người Việt Nam, trong đó có các chiến sỹ quân giải phóng, đang được coi là mất tích, đã được chôn cất riêng rẽ hoặc tập thể ở trong các cánh rừng hoặc trên các chiến trường dọc miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia.
Số liệu của Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ ghi nhận 37.000 cuộc tấn công, có thể đã làm khoảng 155.000 người thiệt mạng, trong đó có các cuộc tấn công tại các chiến trận ở đèo Khe Sanh và đồi Hamburger. Nhưng một con số lớn hơn thế đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở các khu vực hẻo lánh xa xôi dọc đất nước./.