Này 11/2, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, BV vừa cứu sống mẹ con sản phụ tiền sản giật nặng, biến chứng HELLP.
Trước đó, ngày 7/2, sản phụ Bùi Thị Phượng (30 tuổi, trú tại huyện Kinh Môn, Hải Dương) nhập viện khi thai được 36 tuần 4 ngày, thai lần 2. Sản phụ có hiện tượng đau bụng từng cơn, huyết áp 172/118mmHg, phù 2 chân, đau nhức đầu, cơn co tử cung rõ tần số 2.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành thăm khám và nhận định sản phụ bị tiền sản giật rất nặng, rau bong non, có nguy cơ suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu. Sản phụ cũng khó sinh bằng phương pháp sinh thường vì tiềm ẩn nguy cơ vỡ tử cung lúc chuyển dạ. Bên cạnh đó trên hình ảnh siêu âm nhận thấy có khối máu tụ sau rau rất lớn. Do vậy, các bác sĩ chỉ định sản phụ sẽ sinh bằng phương pháp sinh mổ.
Tuy nhiên, trong quá trình y, bác sĩ hoàn tất các công tác chuẩn bị trước mổ, đột nhiên sản phụ xuất hiện chóng mặt, mất dần ý thức, tím môi và đầu chi, mạch nhỏ dần không bắt được, ngừng tim, ngừng thở.
Ngay lập tức, kíp phẫu thuật được triển khai với sự phối hợp của các liên chuyên khoa như Sản khoa, sơ sinh, hồi sức tích cực.
Kíp phẫu thuật vừa phải tiến hành hồi sức cấp cứu, vừa tiến hành phẫu thuật lấy thai và xử trí biến chứng tiền sản giật cho sản phụ.
Sau 3 tiếng thực hiện, các bác sĩ đã giành lại sự sống cho mẹ con sản phụ. Hiện, mẹ con sản phụ tiếp tục được theo dõi tại BV.
Theo các chuyên gia, tiền sản giật là rối loạn thai nghén do huyết áp cao, phù và protein niệu. Bệnh bắt đầu từ tuần 20 của thai kỳ và nếu không chữa trị sẽ dẫn đến co giật (hay được gọi là sản giật).
Đối tượng của tiền sản giật rất rộng, là bệnh lý gây nguy hiểm tính mạng cho cả thai phụ lẫn thai nhi. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 10 triệu ca mắc, trong đó 76.000 thai phụ tử vong.
Để hạn chế nguy cơ tiền sản giật, từ thời điểm 11 tuần 6 ngày của thai kỳ, thai phụ có thể thực hiện sàng lọc tiền sản giật để phát hiện bệnh kịp thời. Khi thực hiện sàn lọc, sản phụ sẽ được thực hiện 3 bước gồm: Đo huyết áp; siêu âm đo doppler động mạch tử cung và lấy máu xét nghiệm.
Việc điều trị dự phòng các trường hợp nguy cơ cao sẽ giúp giảm gần 70% các trường hợp tiền sản giật nói chung và gần 90% các trường hợp trước 32 tuần.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn