Bà Jacinda Ardern sẽ gia nhập với tư cách là một nghiên cứu sinh cho các ngành liên quan đến lãnh đạo công tại trường Kennedy, một trường thành viên của Harvard (Mỹ) vào mùa thu năm nay. Bà cũng sẽ làm việc tại Trung tâm Berkman Klein của trường.
"Jacinda Ardern đã cho thế giới thấy khả năng lãnh đạo chính trị mạnh mẽ nhưng cũng đầy sự cảm thông", Tiến sĩ Douglas Elmendorf, Hiệu trưởng Trường Harvard Kennedy, Đại học Harvard Douglas Elmendorf, Hiệu trưởng của Trường Kennedy, nói. Tiến sĩ Douglas Elmendorf tin rằng cựu Thủ tướng Jacinda Ardern sẽ "mang lại những cái nhìn sâu sắc cho sinh viên của và sẽ bắt đầu những cuộc thảo luận quan trọng về các chính sách công mà các nhà lãnh đạo ở mọi cấp phải đối mặt".
Về phần mình, bà Jacinda Ardern cho biết, bà coi Harvard không chỉ là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người khác mà còn là cơ hội để học hỏi. "Với những nhà lãnh đạo, thường có rất ít thời gian để suy ngẫm, nhưng sự suy ngẫm là rất quan trọng nếu chúng ta muốn xây dựng thế hệ lãnh đạo tiếp theo một cách vững chắc", cựu Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chia sẻ.
Khoảng thời gian Ardern đến Mỹ học tập và làm việc cũng sẽ bao gồm thời gian cho vị trí Nghiên cứu sinh Quản trị Công nghệ cho Nhà lãnh đạo đầu tiên tại Trung tâm Internet & Xã hội Berkman Klein của trường.
Bà Ardern cho biết Trung tâm Berkman Klein là một đối tác quan trọng của New Zealand khi đất nước này có các biện pháp để giải quyết bạo lực do chủ nghĩa cực đoan trên không gian mạng gây ra. Vào 2019, một tay súng theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng đã nã súng giết chết 51 người tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand. Tay súng đã phát trực tiếp cuộc tàn sát trong 17 phút trên Facebook trước khi video bị gỡ xuống.
Hai tháng sau vụ nổ súng, bà Jacinda Ardern khi đó với cương vị thủ tướng đã thành lập tổ chức Christchurch Call với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Mục tiêu của sáng kiến này là loại bỏ các nội dung khủng bố và cực đoan bạo lực trực tuyến. Hơn 50 quốc gia đã tham gia sáng kiến, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Đức và Hàn Quốc, cũng như các công ty công nghệ như công ty mẹ của Facebook – Meta, Amazon, Google, Microsoft, YouTube, Zoom và Twitter.
Giữ chức Thủ tướng của New Zealand khi mới chỉ 37 tuổi vào năm 2017, Jacinda Ardern trở thành nữ lãnh đạo chính phủ trẻ nhất trên thế giới ở thời điểm bấy giờ. Bà là một biểu tượng của chủ nghĩa chính trị thiên tả, sự đa dạng và bình đẳng, và là nguồn cảm hứng cho phụ nữ trên khắp thế giới. Dưới thời của Ardern, New Zealand đã vượt qua nhiều những sự kiện chấn động, như vụ thảm sát nhắm vào các tín đồ Hồi giáo tại Christchurch, vụ phun trào núi lửa Whitehall, đại dịch Covid-19.
Bà đã tuyên bố từ chức vào hồi tháng 1/2023, sau hơn 5 năm cầm quyền, do cảm thấy "không còn đủ năng lượng" để tiếp tục công việc "đòi hỏi trách nhiệm to lớn". Điều này đã làm không chỉ người dân New Zealand mà còn cộng đồng quốc tế bất ngờ.
"Trung tâm là một đối tác cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của Christchurch Call nhằm giải quyết chủ nghĩa cực đoan bạo lực trực tuyến", bà Ardern nói và cam kết sẽ tiếp tục công việc tại tổ chức với tư cách là một đặc phái viên không lương, ngay cả sau khi từ chức thủ tướng.
Bà Ardern cũng cho biết thêm rằng, quá trình nghiên cứu sẽ là cơ hội để không chỉ cộng tác với cộng đồng các nhà nghiên cứu của trung tâm mà còn để giải quyết những thách thức xung quanh sự phát triển của các công cụ AI.
Theo Jonathan Zittrain, nhà đồng sáng lập Trung tâm Berkman Klein, hiếm khi một nguyên thủ quốc gia nghiên cứu và tìm hiểu sâu các chính sách liên quan đến kỹ thuật số, vốn phức tạp và liên tục thay đổi. Ông viết trong một tuyên bố: "Những chuyên môn mà Jacinda Ardern đã nỗ lực học hỏi – bao gồm khả năng đoàn kết các cá nhân và tổ chức với nhiều quan điểm khác nhau của bà – sẽ là vô giá khi chúng ta tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề sâu sắc nhất trên không gian mạng".
Ardern cho biết bà dự định trở lại New Zealand sau khi kết thúc chương trình nghiên cứu sinh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn