Với chủ trương phát triển Công viên Văn hóa Đống Đa là 1 trong 2 "Không gian sáng tạo" của quận trong tổng thể các mạng lưới không gian sáng tạo của Thủ đô, quận Đống Đa (Hà Nội) đang có hàng loạt hành động nhằm đa dạng hóa các hoạt động tại khu Di tích lịch sử Gò Đống Đa.
Trong đó, quận lên kế hoạch tập trung chỉnh trang các hạng mục di tích tại Gò Đống Đa, đa dạng hóa các hoạt động Lễ hội theo hướng duy trì tổ chức các hoạt động, các nghi thức truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại. Mục tiêu là đáp ứng yêu cầu về phát triển công nghiệp văn hóa, trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần vào việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, phát triển du lịch và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Thông tin này được đông đảo người dân quan tâm, bởi 2 thế kỷ đã trôi qua nhưng dấu ấn của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) và chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vẫn luôn là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Những năm gần đây, khu di tích Gò Đống Đa ngày càng thu hút đông đảo người dân thăm quan, nhằm tưởng nhớ những chiến công của cha ông, ghi lại dấu ấn về một thời hào hùng của dân tộc.
Năm 1789, quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Quang Trung đã đánh bại 29 vạn quân Thanh xâm lược trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa, tái lập nền độc lập dân tộc. Sau cuộc tiến công vũ bão của nghĩa quân Tây Sơn, kinh thành Thăng Long được giải phóng. Chiến thắng này được đánh giá là một trong những trận chiến chống ngoại xâm nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam, chặn đứng ý định xâm chiếm Đại Việt của nhà Thanh dưới thời Càn Long.
Di tích Gò Đống Đa ngày nay nằm trên phố Tây Sơn (tên phố được đặt theo tên của nghĩa quân Tây Sơn), thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Hiện tại, Gò Đống Đa bao gồm các hạng mục: Cổng, Gò Đống Đa, nghi môn, tượng đài Quang Trung, đền thờ Hoàng đế Quang Trung và các công trình phụ trợ.
Năm 1962, Gò Đống Đa là 1 trong số 12 di tích tiêu biểu đầu tiên của Thủ đô Hà Nội được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Năm 2019, kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, di tích được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng - khẳng định: Di tích Gò Đống Đa mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, trong đó tiêu biểu nhất cổ vũ tinh thần ái quốc: "Nhờ di tích Gò Đống Đa còn tồn tại cho tới ngày nay, chúng ta hiểu thêm về những trang sử hào hùng do cha ông thế hệ trước viết lên, đặc biệt là trận Ngọc Hồi - Đống Đa, với vai trò lãnh đạo của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Chiến thắng này cổ vũ tinh thần yêu nước, khiến lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt càng mãnh liệt. Trong đồng bào ta luôn chứa một niềm tin rằng: "Bất cứ kẻ thù xâm lược nào, dù có đông đến mấy, mạnh đến mấy, đều phải chịu thua trước tinh thần yêu nước của nhân dân ta".
Ngày nay, di tích Gò Đống Đa vẫn được bảo tồn và gìn giữ gần như nguyên vẹn. Hằng năm, vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, người dân lại nô nức trẩy hội Gò Đống Đa để tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân. Lễ hội Gò Đống Đa cũng trở thành một điểm du xuân không thể thiếu của người dân Hà Nội và cả nước, thu hút hàng nghìn người tham gia.
Lễ hội Gò Đống Đa gồm 2 phần: phần "lễ" và phần "hội". Phần hội những năm gần đây đều có màn trình diễn nghệ thuật tái hiện lại chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của nghĩa quân Tây Sơn anh hùng, thần tốc và hình ảnh vị "anh hùng áo vải" Quang Trung oai phong lẫm liệt. Ngoài ra, còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như thi đấu cờ tướng, cờ người, múa rối nước…
Nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đánh giá: Lễ hội Gò Đống Đa không chỉ có giá trị văn hóa mà còn có ý nghĩa giáo dục lớn. "Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa được xem như là biểu tượng chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn, là minh chứng lịch sử cho truyền thống yêu nước, yêu độc lập - tự do ngàn đời của nhân dân ta; là sự khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường; là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc".
Cũng theo ông Dương Trung Quốc, vệc tuyên truyền giáo dục đến thế hệ trẻ về các giá trị của Di tích Gò Đống Đa giúp nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các thế hệ học sinh.
Với mục tiêu bảo tồn và phát huy di tích Gò Đống Đa, quận Đống Đa cho biết sẽ thiết kế các chương trình giáo dục truyền thống theo hướng đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm tại Di tích thông qua ứng dụng công nghệ số, các trò chơi trí tuệ và một số hoạt động trò chơi vận động thể chất gắn với các sự kiện lịch sử của nghĩa quân Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và Gò Đống Đa. Những hoạt động trên nhằm tăng cường tính tương tác, tạo trải nghiệm gần gũi và trực quan sinh động, qiúp học sinh và du khách hiểu sâu hơn về lịch sử và giá trị của Gò Đống Đa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn