Đa dạng hoạt động truyền thông liên quan đến luật pháp chính sách về bình đẳng giới

11:46 | 29/05/2022;
Thông qua các vở kịch tình huống và thảo luận chuyên sâu, các đại biểu tham gia sự kiện truyền thông "Luật pháp chính sách về bình đẳng giới" cùng tìm hiểu, trao đổi về những điểm mới trong luật pháp, các chính sách liên quan và phương pháp xử lý các vụ việc phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới, quấy rối tình dục.

Để nâng cao nhận thức và hành động về bình đẳng giới, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) vừa tổ chức sự kiện truyền thông "Luật pháp chính sách về bình đẳng giới" tại Thanh Hóa.

Đa dạng hoạt động truyền thông liên quan đến luật pháp chính sách về bình đẳng giới - Ảnh 1.

Hoạt động trong sự kiện truyền thông "Luật pháp chính sách về bình đẳng giới" vừa được tổ chức tại Thanh Hóa.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình "Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2021-2025" do Chính phủ Úc tài trợ. Sự kiện có sự tham gia của các đại diện từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tư pháp; các cán bộ đại diện cho các ban ngành, đoàn thể đến từ 17 tỉnh/thành tham dự trực tiếp và sự tham gia trực tuyến của các đại biểu từ các ban ngành liên quan và Hội LHPN 63 tỉnh/thành phố.

Phát biểu khai mạc chương trình, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ: "Thông qua sự kiện này, chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng để phát huy vai trò, trách nhiệm và tính chủ động trong hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em. Từ đó, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội văn minh không bạo lực, một cộng đồng an toàn, bình đẳng cho tất cả mọi người".

Đa dạng hoạt động truyền thông liên quan đến luật pháp chính sách về bình đẳng giới - Ảnh 2.

Đại biểu đến từ các bộ ngành trao đổi, chia sẻ về cách giải quyết vấn đề của các nhân vật trong vở kịch tình huống.

Thông qua các vở kịch tình huống và thảo luận chuyên sâu, các đại biểu đã cùng tìm hiểu, trao đổi về những điểm mới trong luật pháp, các chính sách liên quan và phương pháp xử lý các vụ việc phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới, quấy rối tình dục. Đặc biệt trong sự kiện truyền thông cũng đã giới thiệu một số quy định mới trong Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 Quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới và Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 có các Quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến Quấy rối tình dục; Phòng, chống bạo lực gia đình.

Ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%).

Bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Trẻ em cũng là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực. Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, 61,4% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục nói rằng con cái họ (5-12 tuổi) thường có các vấn đề về hành vi.

Bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn