Thoát nghèo nhờ tổ hợp tác, hợp tác xã
Là tỉnh ven biển nằm ở cực nam của tổ quốc, do vậy việc phát triển đời sống cho hội viên, phụ nữ gắn liền với kinh tế biển luôn được các cấp Hội LHPn tỉnh Cà Mau quan tâm, chú trọng. Cũng nhờ vậy, nhiều mô hình, tổ hợp tác được thành lập đã phát huy được hiệu quả, góp phần giúp cho đời sống của nhiều chị em ngày một tốt hơn, vươn lên thoát nghèo.
Trong đó, có thể kể đến tổ hợp tác đan lưới tại ấp Tân Ðiền (xã Tân Hải, huyện Phú Tân) do phụ nữ ấp đăng ký thực hiện. Tổ duy trì hoạt động hiệu quả hơn 10 năm nay, hiện có 8 thành viên. Thông qua hoạt động của tổ đã giúp cho nhiều chị em nhàn rỗi ở địa phương học nghề, có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt, ổn định cuộc sống.
Các thành viên của tổ hợp tác đan lưới chia sẻ, nhờ tham gia tổ hợp tác, chị em học được nghề đan lưới, sau đó tự nhận lưới về nhà, tranh thủ thời gian rảnh để ráp. Thu nhập trung bình của nhiều chị được khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, thời gian qua, hợp tác xã mắm cá mào gà ở khu vực cửa biển Hố Gùi, ấp Mai Hoa (xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi) cũng đã phát huy được hiệu quả. Trước đây, đời sống của chị em ở đây hết sức bấp bênh hoặc chỉ ở nhà chăm sóc con cái, chi phí phụ thuộc vào nghề đi biển, làm thuê của chồng. Tận dụng nguồn cá biển, chị em tập tành với nghề làm mắm cá mào gà, các loại khô biển... nhưng đa phần làm nhỏ lẻ, bán tại địa phương.
Ðến năm 2021, với sự quan tâm, động viên từ chính quyền địa phương và các cấp Hội phụ nữ, hợp tác xã mắm cá mào gà được thành lập với 10 thành viên chính thức, đa phần là hội viên phụ nữ. Hàng năm, hợp tác xã thu về lợi nhuận cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, giúp chị em tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Theo Hội LHPN xã Nguyễn Huân, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh, huyện và đơn vị đã kết nối hỗ trợ vốn cho chị em ven biển, nơi chịu ảnh hưởng nhiều từ biến đổi khí hậu, để chị em có điều kiện đầu tư khởi nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể. Từ đó, đời sống chị em được nâng lên về mọi mặt.
Mô hình sinh kế gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu
Hội LHPN tỉnh Cà Mau cho biết trong thời gian qua đã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng mô hình sinh kế cho nhiều hội viên, phụ nữ. Đến nay, có hơn 20.000 hộ được hỗ trợ từ các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu dưới tán rừng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương như nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi cua, sò, vọp… giúp hội viên, phụ nữ, người dân sở tại cùng tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, đời sống kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển.
Vừa qua, Hội LHPN tỉnh Cà Mau cũng đã tổ chức bàn giao 400.000 con tôm sú giống quảng canh cải tiến hai giai đoạn cho 20 hộ dân ở ấp Cồn Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển). Hoạt động này thuộc hợp phần sinh kế từ dự án "Bảo vệ khí hậu và rừng ngập mặn kết hợp với cải thiện thu nhập cho các cộng đồng dễ bị tổn thương", gọi tắt là VM069. Đây là những con tôm giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được mang về dèo lại trong ao bạt 10 ngày để cho tôm ổn định và kích cỡ lớn hơn trước khi thả ra môi trường tự nhiên.
Trước tình hình dịch bệnh, chất lượng nguồn giống một số nơi không rõ ràng nên việc hỗ trợ một phần con giống từ dự án trên cho người dân là rất cần thiết. Hoạt động này không chỉ giúp cho hộ dân an tâm sản xuất, có thêm thu nhập mà còn góp phần vào công tác quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau ngày càng tốt hơn.
Được biết trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ con giống gồm tôm tích, cá bống mú và tôm giống quảng canh cải tiến hai giai đoạn cho một số hộ dân ở ấp Cồn Mũi và ấp Mũi (xã Đất Mũi) để góp phần cải thiện thu nhập cho các cộng đồng dễ bị tổn thương mà vùng dự án đang triển khai thực hiện.
Hội LHPN tỉnh Cà Mau cho hay sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp nhằm nhân rộng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Trong đó, hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số vùng còn nhiều khó khăn. Hàng năm, mỗi chi hội nhận giúp một hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo thông qua các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu đã phát huy hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn