Lợi ích của bình đẳng giới ở nơi làm việc
Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 26/11, bà Lê Thanh Hằng - Giám đốc điều hành Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) - cho biết, khu vực doanh nghiệp được xác định là trung tâm của các mục tiêu phát triển, là lực lượng nòng cốt và xung kích của nền kinh tế. Theo đó, chính doanh nghiệp là một phần giải pháp để thực thi và thúc đẩy các giá trị bình đẳng nói chung và bình đẳng giới ở nơi làm việc nói riêng.
Trên toàn cầu, ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh rằng việc cải thiện bình đẳng giới ở nơi làm việc đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, năng suất và sự hài lòng trong công việc của người lao động. Theo nghiên cứu của Viện Quốc tế McKinsey, nếu phụ nữ tham gia một cách bình đẳng trong nền kinh tế toàn cầu thì sẽ giúp GDP sẽ tăng 28 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Các công ty đa dạng về giới có khả năng hoạt động tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh của họ 15%. Còn theo Intel và Dalberg, những công ty công nghệ có ít nhất 1 lãnh đạo nữ thì giá trị doanh nghiệp của họ cao hơn 13% -16% so với các công ty có bộ máy lãnh đạo toàn nam giới. Ngoài ra, đầu tư vào các công ty với người sáng lập là nữ giới tốt hơn 63% so với đầu tư vào các công ty có đội ngũ sáng lập là nam giới.
Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, Chủ tịch VBCWE - chia sẻ, có được sự bình đẳng trong cơ hội làm việc và thăng tiến, doanh nghiệp sẽ tạo dựng được văn hóa doanh nghiệp bền vững, tăng sự hài lòng của nhân viên, góp phần thu hút và giữ chân nhân tài. Những chính sách bình đẳng giới cũng sẽ góp phần nâng cao hình ảnh và xây dựng thương hiệu.
Bà Thanh chỉ ra rằng, một số nghiên cứu cho thấy những doanh nghiệp có nữ tham gia điều hành, quản trị sẽ có chỉ số minh bạch doanh nghiệp cao hơn. Trong các giai đoạn khủng hoảng, số doanh nghiệp có nữ trong hội đồng quản trị sẽ vượt qua khủng hoảng tốt hơn nhờ minh bạch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tầm quan trọng của Chứng chỉ toàn cầu về bình đẳng giới (EDGE)
VBCWE trở thành tiếng nói cho bình đẳng giới tại nơi làm việc và tác động đến các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân để thúc đẩy và thực hiện chính sách bình đẳng giới. Qua đó, VBCWE hỗ trợ và thúc đẩy các công ty tham gia hoạt động tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ phù hợp với điều kiện công ty.
VBCWE trở thành tổ chức độc lập, tiên phong về đào tạo Chứng chỉ toàn cầu về bình đẳng giới (EDGE). Đây là một tiêu chuẩn toàn cầu đánh giá các chính sách và chế độ của doanh nghiệp về bình đẳng giới ở nơi làm việc; đồng thời giúp đỡ các công ty từng bước triển khai hành động nhằm tạo ra một môi trường làm việc bình đẳng và mang lại nhiều lợi ích hơn.
EDGE giúp doanh nghiệp tạo giá trị cảm nhận tốt với sản phẩm, đồng thời tạo sự tin tưởng của khách hàng cao hơn và tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Bà Hà Thu Thanh cho biết, EDGE giúp xác định vị trí của công ty ở đâu trên thang đo về bình đẳng giới trong nguồn nhân lực, tiền lương, độ hiệu quả của chính sách và thực hành từ đó đảm bảo tiến trình phát triển sự nghiệp bình đẳng giới trong công ty, cũng như sự đa dạng và bao trùm trong văn hóa doanh nghiệp. Chứng chỉ được áp dụng tại nhiều nước, phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Chứng chỉ EDGE đặc biệt có giá trị với các doanh nghiệp da giày, thuỷ sản. Đây được coi là chứng chỉ có giá trị đặc biệt khu vực châu Âu và châu Mỹ. “Ngoài chứng chỉ ISO, người châu Âu và Bắc Mỹ rất quan tâm những sản phẩm tạo tác động tốt cho xã hội như EDGE hay chứng chỉ không sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi. Theo đó, người tiêu dùng ở khu vực này có nhận thức cao về những vấn đề môi trường, phụ nữ trẻ em và người khuyết tật. Nhờ vậy, sản phẩm nào xuất khẩu sang các nước phát triển nào có chứng chỉ EDGE sẽ có giá trị tin tưởng cao hơn, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp”, bà Thanh nhấn mạnh.
* 7 thành viên sáng lập của VBCWE bao gồm: Công ty Deloitte Việt Nam, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Cổ phần dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), Tổng Công ty May 10 (Garco10), Công ty cổ phần Traphaco, Công ty Unilever Việt Nam và Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận, với tổng số nhân viên ước tính lên đến 120.000 người.
* VBCWE sẽ mở rộng mạng lưới doanh nghiệp, kết nạp thêm nhiều thành viên mới là các công ty có quy mô từ 500 lao động trở lên, qua đó lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới tại nơi làm việc trong cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung. Đẩy mạnh truyền thông về bình đẳng giới tại nơi làm việc qua việc tổ chức chuỗi sự kiện hội thảo về phát triển nguồn nhân lực và tổ chức các buổi đào tạo về bình đẳng giới tại nơi làm việc cho các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức xã hội tại Việt Nam.
* Ngày 12/12/2018, tại TPHCM, VBCWE sẽ tổ chức Diễn đàn "Doanh nghiệp Việt Nam: Xóa bỏ rào cản để quản trị và phát triển nguồn nhân lực hiệu quả". Diễn đàn là cơ hội giúp các doanh nghiệp đánh giá thực trạng, lập kế hoạch giải quyết cho các vấn đề về quản trị nguồn nhân lực, xóa bỏ rào cản (bất bình đẳng về tiền lương, cơ hội đào tạo, thăng tiến…) và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thông qua xây dựng một môi trường làm việc bình đẳng và tối ưu.
|