Theo Bộ LĐ-TB&XH, báo cáo ban đầu, ngân sách các địa phương trong cả nước đã dành khoảng 998,1 tỷ đồng với trên 2,44 triệu suất quà thăm hỏi tặng cho các gia đình chính sách. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh chi trên 44 tỷ đồng với 71.596 đối tượng, thành phố Hà Nội chi trên 200 tỷ đồng với 481.824 suất quà...
Theo thống kê ban đầu, ngân sách nhà nước đã dành tổng cộng khoảng 1.392,7 tỷ đồng cho công tác thăm, tặng quà, chăm sóc người có công với cách mạng.
Dịp này, nhiều sự kiện, hoạt động thiết thực được triển khai như: tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, trong đó có 5.900 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng; Tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc 2017 với quy mô gần 1300 đại biểu, trong đó 700 đại biểu là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang; Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ được tổ chức trọng thể vào sáng ngày 27/7/2017 tại Thủ đô Hà Nội...
Với phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động đợt cao điểm vận động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và kêu gọi cả nước thực hiện 3 tháng cao điểm vận động toàn dân “Đền ơn đáp nghĩa”. Thông qua đợt vận động cao điểm, tổng số quà tặng cho gia đình chính sách và người có công là 207.982 suất, trị giá hơn 121 tỷ đồng.
Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Hội LHPNVN đã thực hiện tốt các hoạt động chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ Mẹ Việt Nam anh hùng; các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, tại địa phương; phân công hội viên phụ nữ trong các chi/tổ, gia đình phụ nữ đảm bảo mỗi Mẹ Việt Nam anh hùng có một “con gái” thường xuyên thăm nom, chăm sóc, động viên, phân công nhận chăm sóc, đỡ đầu trẻ em con liệt sĩ, thương binh có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn động sau chiến tranh, phấn đấu đến hết năm 2017 giải quyết căn bản đối với hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có hồ sơ tồn đọng; giám sát việc thực hiện việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đưa công nghệ thông tin, tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban ngành trung ương và địa phương. Đến năm 2018: Cơ bản hóa công tác quản lý tra tìm dữ liệu về người có công và thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi đối với người có công. Đến năm 2020: Số hóa cơ bản mọi thủ tục hành chính về công tác chính sách đối với người có công trên phạm vi toàn quốc.