Đã đến lúc Việt Nam cần ‘khai tử’ ống hút bằng nhựa vì ô nhiễm môi trường

20:10 | 20/12/2018;
Mỗi năm, các công ty sản xuất vỏ hộp đựng sữa cung cấp khoảng hơn 8,1 tỷ vỏ hộp đựng sữa các loại cho thị trường Việt Nam. Vấn đề đáng nói ở đây là cùng với 8,1 tỷ vỏ hộp đựng sữa đó có thể sẽ là số ống hút nhựa tương ứng, và số ống hút này hẳn sẽ được người dùng “hồn nhiên” xả thẳng vào môi trường tự nhiên. Đây thực sự là con số rất đáng báo động.
Đối nghịch với ‘kinh tế xanh’
 Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vào hôm 18/12, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng, cho biết: Chỉ tính riêng 20 quán trà sữa ở quận Hải Châu (Đà Nẵng), mỗi tháng thải ra 100m3 ống hút, ly nhựa ra môi trường.
Thông tin của vị giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng công bố một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn rác thải nhựa mà Việt Nam đang phải đối mặt, như một sự tương phải với khẩu hiệu “phát triển kinh tế xanh”.
Số liệu của Hiệp hội bảo tồn đại dương (Ocean Conservancy) công bố vào năm nay càng khiến dư luận giật mình: Việt Nam là nước nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu trên thế giới về xả đồ nhựa phế thải vào đại dương. Theo Hiệp hội này, điều tỏ ra mâu thuẫn khi có hàng chục quốc gia có nền kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần nhưng có lượng chất thải nhựa ít hơn nhiều.
onghutsua.jpg
Bên cạnh các loại ống hút nhựa và ly nhựa khác, các ống hút nhựa của sữa hộp cũng đang trở thành vấn nạn cho môi trường tự nhiên hiện nay
Có một điều dễ nhận ra, việc sử dụng ống hút nhựa đang ngày càng phổ biến đến mức lạm dụng trong giới kinh doanh cũng như người tiêu dùng Việt Nam hiện nay. Tỉ lệ thuận với việc nở rộ các nhà hàng, quán bar, quán cà phê, giải khát... tại các thành phố (cả vùng nông thôn) là sự gia tăng về số lượng vỏ nhựa, ống hút nhựa đi kèm. Điều đáng nói, những ống hút và vỏ nhựa dùng xong, được người dùng thản nhiên xả ra môi trường.
Theo Litterati, một ứng dụng chuyên nhận diện và lập bản đồ các loại rác thải, trên phạm vi toàn thế giới, ống hút nhựa là loại rác phổ biến thứ 6 và nằm trong số 10 loại rác thải thường thấy trên các đại dương, nó cũng xếp thứ 6 trong các loại rác không thể phân huỷ.
Trung bình mỗi năm, hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có nhiều ống hút, trôi dạt ra đại dương, trở thành mối đe dọa đối với sự sống của các loài sinh vật biển, ngành thủy sản, du lịch biển và tổn thất đối với hệ sinh thái biển lên tới ít nhất 8 tỷ USD. Ước tính, với tốc độ vứt bỏ các loại chai, túi, cốc nhựa, ống hút… sau một lần sử dụng như hiện nay thì đến năm 2025, lòng đại dương sẽ chứa nhiều rác nhựa hơn là cá.
Còn theo tờ Business Insider, lượng tiêu thụ nhựa toàn cầu hiện khoảng 300 triệu tấn/năm, có nghĩa là mỗi người trên hành tinh này sử dụng khoảng gần 40kg nhựa/năm. Đáng chú ý là có tới hơn 79% chất thải nhựa được chuyển tới các bãi rác hoặc mắc kẹt trong tự nhiên, 12% chất thải nhựa được đốt ở các lò đốt và chỉ có khoảng 9% được tái chế.
Tại Việt Nam, hiện chưa có thống kê cụ thể về số lượng ống hút nhựa thải ra môi trường hàng năm. Tuy nhiên, giới bảo vệ môi trường cho rằng con số này là không hề nhỏ. Mới đây, phóng viên tờ The Guardian của Anh đã có một khảo sát thực tế tại Việt Nam và đã đưa ra một con số khá chấn động: Mỗi năm, Tetra Pak cung cấp khoảng hơn 8,1 tỷ vỏ hộp đựng sữa các loại cho thị trường Việt Nam. Vấn đề đáng nói ở đây là cùng với 8,1 tỷ vỏ hộp đựng sữa đó có thể sẽ là số ống hút nhựa tương ứng, và số ống hút này hẳn sẽ được người dùng “hồn nhiên” xả thẳng vào môi trường tự nhiên. Đây thực sự là con số rất đáng báo động.
Cần sớm ‘khai tử’
Theo Eco-Cycle, một tổ chức tái chế phi lợi nhuận, về lý thuyết, mặc dù ống hút nhựa được làm từ polypropylen, một loại nhựa có thể tái chế, song hầu hết các nhà tái chế sẽ không chấp nhận chúng bởi chúng quá nhỏ và tốn công sức, chi phí cho việc thu gom.
Số liệu của The New York Times công bố cho thấy, ở Mỹ, ước tính mỗi ngày người dân ném đi khoảng 500 triệu ống hút nhựa, đủ để xếp bao quanh bán kính Trái đất 2 lần, hoặc lấp đầy 125 chiếc xe buýt. Còn tại Anh, ước tính mỗi năm ít nhất 8,5 tỷ chiếc ống hút nhựa bị chôn lấp hoặc đi ra biển. Tuy nhiên, vẫn theo The New York Times, tình hình sử dụng ống hút nhựa một lần tại Mỹ đã được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây.
 
onghutgao.jpg
Với tình trạng rác thải nhựa đáng báo động hiện nay, chiếc ống hút làm từ gạo này được dư luận đánh giá sẽ là “cứu tinh” đối với môi trường trong tương lai không xa. Ảnh: cắt từ clip

Tờ báo này cho hay, trung tuần tháng 9 năm nay, Thống đốc bang California - ông Jerry Brown đã ký ban hành luật mới cấm các nhà hàng có nhân viên phục vụ tại bàn tự động cung cấp ống hút bằng nhựa dùng 1 lần cho khách hàng. Luật trên quy định nếu khách hàng tại các nhà hàng ở California muốn dùng đồ uống sử dụng ống hút bằng nhựa sẽ phải yêu cầu nhân viên thay vì có sẵn như trước. Các nhà hàng không tuân thủ sẽ nhận được cảnh báo 2 lần trước khi bị áp mức phạt lên đến 300 USD/năm. Ngay sau khi ban hành, các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ đã lên tiếng ủng hộ luật mới này và cho rằng đó là một “bước đi nhỏ hướng tới giảm ô nhiễm đại dương”.

Trong khi đó, theo tờ The Guardian, các loại tăm bông ngoáy tai, ống hút nhựa và nhiều đồ nhựa dùng một lần khác có thể bị cấm tại Anh từ 2019. Thủ tướng Anh Theresa May cũng kêu gọi các nước trong khối “Thịnh vượng chung” hưởng ứng lệnh cấm này.
Tại Mỹ, hiện nay, nhiều thương hiệu nhà hàng, khách sạn đã lựa chọn ống hút giấy đạt tiêu chuẩn FDA, có thể phân hủy trong 30-60 ngày. Một lựa chọn khác nữa là ống hút được làm từ PLA (polylactic acid), một dạng ống hút sinh học tự phân hủy được làm từ bột ngô. Một phương án sáng tạo khác được quán cà phê Paradise Cove Beach ở thành phố Malibu sử dụng và khu resort Terranea ở bang California thử nghiệm là ống hút bằng mì pasta chưa nấu chín.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, khu resort và spa Taj Exotica tại quần đảo Andamans lại sử dụng tre làm ống hút và thìa.
Tại châu Á, theo hãng truyền thông quốc tế Deutsche Welle (DW) của Đức, Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ loại bỏ hoàn toàn ống hút và cốc nhựa dùng một lần ở các cửa hàng cà phê và những điểm công cộng khác vào năm 2027. Đây là nỗ lực mới nhất của chính phủ Hàn Quốc nhằm giảm lượng rác thải khó tái chế trong toàn bộ quá trình sản xuất, tiêu dùng. Cùng với đó, một loạt giải pháp đã được đưa ra để thay thế cho ống hút bằng nhựa dùng một lần, trong đó có những chiếc ống hút giàu chất dinh dưỡng được làm từ gạo, có vị nhân sâm và có thể ăn được.
Theo đó, Kim Gwang Pi, một người Hàn Quốc đã phát minh ra một loại ống hút làm bằng gạo, có thể phân hủy sau 3 tháng, so với ống hút nhựa vốn cần đến hàng trăm năm. Với 70% thành phần làm từ gạo, và 30% làm từ bột sắn hoặc thành phần làm viên trân châu trong trà sữa, ống hút gạo của anh Kim có thể ăn như snack bay bim bim, mỗi chiếc ống hút chứa khoảng 50 calo. Đây là một chiếc ống hút không chỉ thân thiện với môi trường, mà còn “giàu dinh dưỡng”.
Với tình trạng rác thải nhựa đáng báo động hiện nay, chiếc ống hút làm từ gạo này được dư luận đánh giá sẽ là “cứu tinh” đối với môi trường trong tương lai không xa.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn