Đả kích để trị thói kiêu ngạo của con

09:00 | 22/04/2016;
Khi trẻ tỏ ra tự mãn với những gì mình có, bố mẹ chỉ dùng lời khuyên dạy sẽ không mang lại hiệu quả, cần có ‘kế đả kích’ giúp trẻ nhận ra mình còn nhiều điểm chưa tốt.
tre-kieu-ngao-1.jpg

Chị Linh, mẹ bé Hoàng thấy con mình mới 6 tuổi đã tỏ ra kiêu ngạo, không khiêm tốn, chị quyết định dùng cách “đả kích” con.

Một hôm chị hẹn bé Đào và bé Tùng bên nhà hàng xóm sang nhà mình chơi với Hoàng. Chị Linh để cho ba cháu chơi bắn bi, mà con chị không giỏi chơi trò này. Quả nhiên Hoàng thua liền mấy ván, về sau không muốn chơi nữa. Đợi đến khi hai bé hàng xóm về rồi chị mới hỏi con: “Con giỏi lắm mà, sao lại chơi thua thế?”. Bé Hoàng lúc đó ấm ức không biết nói gì mà chỉ khóc òa lên. Chị Linh nói tiếp: “Thua cũng không sao, nhưng con phải biết rằng mình cũng có chỗ không bằng bạn khác, vì thế không được kiêu ngạo”. Hoàng nghe xong cũng hiểu ra ý mẹ nói, nhỏ giọng đáp: “Vâng”.

Một thời gian sau đó chị Linh liên tục dẫn dắt, chỉ bảo cho con hiểu được khiêm tốn quan trọng như thế nào. Dần dần thói tự mãn của bé Hoàng cũng được sửa đổi.

Trẻ không có thái độ khiêm nhường, bố mẹ khuyên bảo nhiều lần không được thì hãy “nhẫn tâm” để con chịu tổn thương một chút. Biện pháp “đả kích” cũng giống như một “gáo nước lạnh” dội vào “ngọn lửa” kiêu căng trong trẻ, giúp trẻ tỉnh ngộ ra rằng mình cũng có điểm không bằng người khác.

tre-kieu-ngao-2.jpg

Thông thường phụ huynh vẫn hay dùng phương pháp giáo dục động viên, biểu dương con, chơi với con cố ý nhường để con thắng, cách này thực sự có hiệu quả trong việc tiếp thêm tự tin cho trẻ. Nhưng nếu bố mẹ chỉ cho con biết “mùi vị” thắng cuộc, thì có thể khiến trẻ hí hửng đắc ý, dần sinh ra thói tự cao tự đại. Do đó để đề phòng trẻ hình thành tính kiêu ngạo, hoặc giúp trẻ bỏ đi tính xấu này, bố mẹ nên để con chịu tổn thương một chút.

Bố của cháu Quân rất giỏi cờ tướng, từ nhỏ Quân đã được bố dạy chơi cờ. Ban đầu hai bố con chơi cờ, bố Quân thường cố tình để con thắng, mục đích để cháu có thêm tự tin. Lâu dần khả năng chơi cờ của Quân được nâng cao, cháu còn giành được giải thưởng lớn bộ môn cờ tướng ở trường khiến cho bạn bè ngưỡng mộ. Ở nhà chơi cờ thắng bố, đến trường thi đấu được giải, Quân cảm thấy mình không có đối thủ nên bắt đầu tỏ ra kiêu ngạo.

Bố Quân thấy con có biểu hiện đắc ý liền quyết định không nương tay nữa, chơi cờ thoải mái đánh bại con trai. Đánh ván nào Quân thua ván đấy, đến khi cháu không chịu nổi nữa khóc òa lên thì bố cháu nói:

- Chơi thắng thì con đắc ý, thua thì con khóc, như thế xấu hổ lắm!

- Như thế nào mới không xấu hổ ạ? – Quân hỏi.

- Nếu con thắng không kiêu ngạo, thua không nản lòng, thì mới đáng để chơi.

Qua bài học này bé Quân rút kinh nghiệm và trở nên khiêm tốn hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn