Về vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Hữu (THƯ VIỆN PHÁP LUẬT) tư vấn như sau:
Căn cứ khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.
Căn cứ Điều 115 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.
Căn cứ Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi; việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy, trường hợp vợ cũ khó khăn về kinh tế (do bệnh tật) thì người chồng cũ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho vợ cũ trong giai đoạn này; mức cấp dưỡng do hai bên thỏa thuận và phù hợp với tình hình thực tế của các bên.
Căn cứ khoản 5 Điều 118 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ chấm dứt nếu bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn