Đây là ý kiến của đại diện Phòng Văn hóa và Thể thao, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, đã nhận được nhiều sự đồng tình của các đại biểu tại Hội thảo "Phát huy vai trò của cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền Luật Trẻ em và phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em trong tình hình mới hiện nay", vừa được tổ chức tại TP Đà Nẵng.
Nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành bởi chính cha, mẹ ruột
Theo thống kê từ Cục Trẻ em (thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), số lượng cung cấp thông tin trẻ bị xâm hại, bạo lực ngày càng tăng. Trong quý I năm 2022, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021).
Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong quý I năm 2022, lực lượng chức năng phát hiện gần 450 vụ xâm hại, bạo lực trẻ em. Số trẻ bị bạo lực, xâm hại là hơn 450 trẻ em. Trong đó, số vụ xâm hại tình dục trẻ em là hơn 300 vụ/317 đối tượng, với 309 trẻ em (chiếm 69,3%).
Điều đáng nói là, thời gian qua công tác bảo vệ quyền trẻ em đang được chính quyền, các hội, đoàn thể và trường học tích cực tuyên truyền. Cùng với đó, các văn bản pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, kể cả biện pháp chế tài hình sự lẫn hành chính đang có hiệu lực thi hành.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới tham gia phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1990. Thế nhưng, hàng loạt vụ bạo hành, xâm hại thể chất lẫn tinh thần trẻ em vẫn liên tục xảy ra, với nhiều thủ đoạn khác nhau, để lại những hệ lụy khôn lường cho bản thân các em, cho gia đình và xã hội. Đặc biệt, rất nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành bởi chính cha mẹ ruột nhưng nhiều người chứng kiến không lên tiếng tố cáo, làm rúng động dư luận.
Điều này cho thấy tính nghiêm trọng cũng như thực trạng đáng báo động của vấn đề bạo lực và xâm hại trẻ em. Đồng thời cho thấy việc đẩy mạnh tuyên truyền Luật trẻ em và phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em trong tình hình mới hiện nay là việc làm hết sức cần thiết, cấp bách, để mỗi người đều có thể hiểu luật. Từ đó có đủ cơ sở để lên tiếng bảo vệ trẻ em trong xã hội.
Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em
Vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền Luật Trẻ em và phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em là hết sức quan trọng.
Theo đại biểu Phòng Văn hóa và Thể thao, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, thực tế công tác tuyên truyền trên sóng của Đài PT-TH Đà Nẵng về Luật Trẻ em và phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em, bên cạnh những lợi thế của loại hình báo chí đặc thù, cũng có những hạn chế, khó khăn.
Ví như: Các vấn đề về trẻ em là những vấn đề nhạy cảm, khi tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là thể loại báo hình cần có sự chọn lọc. Đặc biệt, với những nội dung liên quan đến bạo lực, xâm hại thì cần phải cân nhắc những yếu tố tình tiết tế nhị, nhạy cảm, nên đưa hay không nên đưa lên sóng và nếu đưa lên thì ở mức độ nào là phù hợp. Chưa kể trong điều kiện bình thường, các hình ảnh về trẻ em xuất hiện trên sóng truyền hình luôn phải được sự đồng ý của gia đình, của nhà trường và của chính các em.
Đài PT-TH Đà Nẵng hiện không có phóng viên chuyên trách về trẻ em, nên việc tuyên truyền, thông tin về các vấn đề liên quan đến trẻ em còn chưa phong phú, đa dạng. Nội dung tuyên truyền chủ yếu nhấn mạnh khía cạnh bề nổi, thể hiện sự chăm lo, quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cá nhân, đơn vị đối với trẻ em, nhất là trẻ em bị thiệt thòi, có hoàn cảnh khó khăn.
Với mảng đề tài tuyên truyền về trẻ em, các chuyên mục của Phòng Văn hóa-Thể thao thực hiện trong những năm qua chỉ tập trung vào những hoạt động chăm sóc, giáo dục, hỗ trợ trẻ em trong cuộc sống và trong học tập, những hoạt động văn hóa - vui chơi - giải trí của trẻ trong cộng đồng. Các spot, trailer tuyên truyền về Luật trẻ em và phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em chưa được sản xuất và phát định kỳ trên Đài.
Cần kết nối cộng đồng chung tay chăm sóc, giáo dục trẻ em
Để công tác tuyên truyền Luật Trẻ em và phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em đạt được yêu cầu đề ra, đại diện Phòng Văn hóa và Thể thao, Đài PT-TH Đà Nẵng cho rằng:
Cần tăng cường tần suất phát sóng, đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội những tin, bài, chương trình, spot tuyên truyền về các nội dung của Luật trẻ em và phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Chú trọng phát sóng vào những khung giờ hợp lý, có lượng khán giả xem nhiều. Trong thời đại bùng nổ thông tin và sự phát triển đa dạng của hạ tầng truyền dẫn, phát sóng, việc tăng cường nội dung này là cần thiết và có cơ sở để thực hiện tốt.
Ngoài ra, cần tạo sự thu hút cho các chương trình truyền hình cả về nội dung và hình thức thể hiện trên sóng. Thường xuyên đổi mới cách thể hiện đối với các chương trình về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em để nội dung chuyển tải không bị khô khan, áp đặt, giúp khán giả dễ nắm bắt vấn đề, từ đó có nhận thức và hành động đúng đắn, hiệu quả.
Đẩy mạnh, nâng cao số lượng, chất lượng các chương trình có nội dung về công tác chăm sóc, giáo dục, hỗ trợ trẻ em khó khăn, trẻ em yếu thế (những đối tượng trẻ em dễ bị lợi dụng, dễ sa ngã) trong cuộc sống và trong học tập. Từ đó, kêu gọi, kết nối cộng đồng trong việc chung tay chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Tăng cường các chương trình có nội dung phản ánh, lên án về hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt bạo lực trong gia đình; tích cực đề cao vai trò của gia đình trong việc phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, nêu gương gia đình văn hóa - nơi trẻ em được yêu thương, được chăm sóc toàn diện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn