Đà Nẵng - cuộc chuyển mình ngoạn mục của 'trạm transit'

00:00 | 21/01/2019;
Chỉ hơn 10 năm về trước, Đà Nẵng chỉ là một "trạm transit” đường bộ để khách du lịch đến Huế và Hội An.

Thời thiếu niên, Thủy thường sang ga tàu Thanh Khê để thực hành nói tiếng Anh. Đây là nơi có thể gặp nhiều “Tây” nhất trong thành phố. Họ xuống tàu ở Đà Nẵng để tìm phương tiện ra thăm Cố đô triều Nguyễn, hoặc đến thành phố đèn lồng Hội An. Thi thoảng họ qua Mỹ Khê tắm biển, nhưng không mấy khi nghỉ lại.

Thủy tại chợ Hàn

 

Khoảng hơn 10 năm về trước, Đà Nẵng đơn giản là điểm trung chuyển giữa hai ngôi sao sáng của con đường di sản miền Trung: Huế và Hội An. Không có gì nhiều ngoài những con người hồn hậu và một bờ biển đẹp, Đà Nẵng khi đó thậm chí không đủ sức níu chân những người dân của chính mình. Thủy cầm tấm bằng đại học trong tay và đắn đo về tương lai. Cậu và bạn bè di cư đến những thành phố lớn: Hà Nội, Sài Gòn.

Khách thăm quan Đà Nẵng năm 2006 khoảng 770 nghìn lượt, bằng với lượng khách chính thành phố này tiếp nhận năm 2018, nhưng chỉ trong khoảng 36 ngày.

Sun World Ba Na Hills

Hơn mười năm sau, Đà Nẵng trở thành thành phố của những cái nhất, nơi phần lớn người Việt đặt lên đầu danh sách những nơi nhất định phải thăm quan. Top 10 nơi tốt nhất để sống ở nước ngoài năm 2018 của Live and Invest Overseas cũng gọi tên Đà Nẵng.

Năm 2002, thành phố ra nghị quyết về đẩy mạnh phát triển du lịch Đà Nẵng trong thời kỳ mới. Hành trình lột xác của Đà Nẵng chính thức khởi động.

Ba chương trình lớn về: quy hoạch đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và tuyên truyền quảng bá du lịch được cụ thể hóa với mục tiêu: đến năm 2005 đón được 850.000 khách du lịch với tổng doanh thu đạt 650 tỉ đồng.

Trên thực tế, mục tiêu này đã không đạt được, khi thành phố chỉ thu về 450 tỉ đồng với 780 nghìn lượt khách thăm quan năm 2005.

Cùng năm đó, tạp chí Forbes công bố sáu bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh, trong đó có Mỹ Khê của Đà Nẵng. Nắm viên ngọc trong tay, thành phố này vẫn chưa thực sự khiến nó tỏa sáng xứng tầm. Bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh khi ấy mới chỉ thu hút 29 dự án về du lịch với tổng số vốn đầu tư 553 triệu USD, chưa bằng 1/13 của năm 2017. Đà Nẵng được ví như một cô công chúa Lọ Lem, đẹp nhưng không mấy người biết đến.

Bước ngoặt quyết định đến ngay sau đó. Khi xác định đi theo hướng phát triển bền vững, ngành du lịch ở đây chú trọng xây dựng chuỗi giá trị: biết để đến, đến bằng cách nào, đến những nơi nào và đến đó sẽ làm những gì.

Sun World Danang Wonders

Đà Nẵng bắt tay thực hiện đồng loạt nhiều chương trình quảng bá du lịch trong và ngoài nước, đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực, vận động người dân nâng cao nhận thức về việc xây dựng một hình ảnh thân thiện và hấp dẫn cho thành phố.

Đà Nẵng trở thành thành phố có hệ thống giao thông đường bộ chất lượng cao nhất miền Trung không lâu sau đó. Lao động của thành phố hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch tăng 10 lần, lên 27.000 vào năm 2017. Trong số đó, 65% có trình độ ngoại ngữ và 60% có qua đào tạo.

Khi hai bài toán đầu tiên, “biết để đến, đến bằng cách nào” đã được giải quyết, mấu chốt của ngành du lịch là “đến những nơi nào và đến đó sẽ làm những gì” nhanh chóng được giải đáp.

Sun World Ba Na Hills

Nhiều nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vingroup... chọn Đà Nẵng làm mảnh đất lành để xây dựng các khu vui chơi, khách sạn, resort cao cấp, hiện đại. Năm 2009, cùng với sự hoàn thiện của tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Ba Na Hills, Đà Nẵng có thêm 4 kỷ lục Guinness cho tuyến cáp treo nối tới đỉnh Bà Nà. Từ một vùng đồi núi hoang sơ mất 2 giờ đi ô tô từ trung tâm, Bà Nà Hills được người Việt nhớ đến bằng cái tên “đường lên tiên cảnh”.  Nơi này đón hơn 30.000 khách chỉ sau tháng vận hành đầu tiên.

Năm 2016, cứ 10 người đến thăm Đà Nẵng sẽ có 4 người tìm đến khu du lịch, chưa kể người dân Đà Nẵng. Sáu du khách còn lại cũng không cần phải đi quá xa để tận hưởng hết sự thú vị của thành phố. Họ có nhiều lựa chọn ngoài tắm biển, leo núi Ngũ Hành Sơn hay đi dạo bờ sông Hàn và chụp vài tấm ảnh lưu niệm với “tứ đại mỹ cầu” của thành phố.

Họ cũng có thể đi thăm “Châu Á thu nhỏ” ở công viên giải trí lớn nhất miền Trung, Sun World Danang Wonders, xem Lễ hội pháo hoa Quốc tế tổ chức suốt 2 tháng hè...  Hay đơn giản chỉ là bắt chuyện với bất kỳ người Đà Nẵng nào, nghe họ kể về thành phố mình với nụ cười và ánh mắt tự hào. Câu chuyện của mỗi người họ đều phản chiếu câu chuyện về sự đổi đời của Đà Nẵng, nhờ có du lịch.

Sun World Danang Wonders

Năm 2017, GDP bình quân của người Đà Nẵng đạt 3000 USD. Ông Huỳnh Cư bây giờ không còn phải lo lắng nhiều về vật chất nhưng vẫn nhắc về những ngày từng bữa chạy ăn.

Khi ngành du lịch còn chưa phát triển, Đà Nẵng còn là mảnh đất bị chia đôi bởi hai bờ sông Hàn, ông Huỳnh Cư cùng vợ sống ở “bên kia sông”, nơi phố xá không nghinh ngang mà chỉ có xanh thông, trắng cát và màu xam xám của những mái fibro xi măng lợp trên mái nhà. Sau mùa mưa bão đi qua, luôn là những cuộc làm lại từ con số 0.

Ông Cư là nghệ nhân làng đá Ngũ Hành Sơn, khởi nghiệp từ cuối những năm 1990 sau 3 năm học nghề. Ngày chưa có máy móc, chỉ dùng đục đẽo tay, 3, 4 ngày mới xong bức tượng Phật Di lặc mà bán không ai mua. Bàn tay chai như đá sáng đục tượng chiều lại cầm vó, quăng chài tren sông Cổ Cò kiếm nắm gạo, cái rau cho vợ và 2 đứa con nhỏ. “Biết giờ mới có mái nhà tử tế!”, ông Huỳnh Cư đôi khi ngẩng mặt lên trời bất lực  tự hỏi...

Ông Cư giờ là chủ nhân của căn nhà 3 tầng khang trang trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận Ngũ Hành Sơn. Trong xưởng đá mỹ nghệ mang tên mình, ông cùng đám thợ học nghề vẫn trung thành với việc làm ra những bức tượng Phật Di lặc đủ kích cỡ. Người của cửa hàng đá dưới chân núi Thủy Sơn sẽ đến tận nơi chở tượng về. Ông Cư không còn lo ế hàng.

Mỗi lúc nhìn con đường Trường Sa qua chân núi Thủy nườm nượp xe du lịch, những khu khách sạn sang trọng san sát dọc bãi biển và cả chính căn nhà mình đang sống, ông vẫn không nghĩ nó là sự thật. “Không có du lịch, sao mạnh được vầy”, ông Cư tâm sự.

Ông Huỳnh Cư

Kỳ vọng của nhà đầu tư và thành phố này chưa dừng lại ở khai thác du lịch nghỉ dưỡng 5 sao, khu vui chơi giải trí cao cấp mang tầm châu lục. Năm 2012, Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort ra đời và 4 năm liền được World Travel Awards vinh danh Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới. Đây cũng là nơi diễn ra hội nghị APEC năm 2017.

Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort

Sau cuộc gặp gỡ của những con người quyền lực nhất thế giới, truyền thông nước ngoài còn nhắc nhiều về InterContinental Danang, về Đà Nẵng.

Sự phát triển nhanh chóng của du lịch Đà Nẵng trong hơn thập kỷ qua là lời khẳng định cho thành công của những nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược. Ngoài một chính sách tốt và yếu tố tự nhiên - con người, các dự án doanh nghiệp tư nhân là điều làm nên sự bứt phá mạnh mẽ không chỉ với ngành du lịch, mà của bộ mặt chung của cả một vùng đất.

Thủy giờ đã thành một thương nhân với mạng lưới cửa hàng bán đồ lưu niệm phát đạt. Ở cửa hàng của Thủy tại chợ Hàn, vẫn nhìn thấy những mảnh giấy nhớ được dán khắp nơi để học ngoại ngữ. Những từ tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Anh đơn giản được viết lên các mảnh giấy màu vàng. Nhưng nó không dành cho ông chủ. Bây giờ người đang học tiếng Anh là cô nhân viên bán hàng. Khách nước ngoài ra vào chợ nườm nượp. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn