Cụ thể, TP Đà Nẵng hỗ trợ 1 lần cho các chủ phương tiện tàu cá, thuyền thúng gắn máy nhỏ hơn 90 CV số tiền trên 1,6 tỷ đồng. Hỗ trợ chi phí vận chuyển, phân phối tiêu thụ hải sản cho Hợp tác xã nghề cá Hải Nhi số tiền 17,7 triệu đồng.
Đồng thời, miễn tiền thuê mặt bằng trong tháng 5/2016 đối với các hộ thuê mặt bằng ở các khu buôn bán hải sản, kinh doanh ăn uống, tạp hóa, kinh doanh dịch vụ đá đập nước mặn, bờ kè, xe ba gác, dịch vụ đá xay, bãi xe giao hàng, nhà vệ sinh, nhà giữ xe ở khu vực chợ cá Thọ Quang với số tiền là 174,3 triệu đồng.
UBND TP Đà Nẵng cũng giao UBND các quận chịu trách nhiệm thông báo và niêm yết công khai danh sách các đối tượng hỗ trợ tại Chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang nhằm đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đúng chủ trương của UBND thành phố.
Thị trường hải sản, du lịch, dịch vụ của TP Đà Nẵng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau vụ cá chết hàng loạt hồi tháng 6/2016 |
Trước đó, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Đà Nẵng đã đề nghị số tiền hỗ trợ cho 825 tàu ngư dân dưới 20 CV một lần 1 triệu/1 tàu; 456 tàu từ 20 CV đến 90 CV hỗ trợ 2 triệu/1 tàu.
Sở NN&PTNT Đà Nẵng cũng đề xuất đề án xoá thuyền thúng và tàu dưới 20 CV tại Đà Nẵng bằng cách mua lại và hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi ngành nghề. Với mức mua lại 20 triệu đồng/chiếc đối với thúng nan; từ 25-30 triệu/chiếc đối với thuyền gỗ. Đồng thời hỗ trợ 10 triệu đồng/lao động để ngư dân chuyển đổi nghề trong giai đoạn (2017-2020).
Qua thống kê, TP Đà Nẵng có 777 chiếc tàu và thúng dưới 20 CV. Trong đó, 303 chiếc tàu và 474 thuyền thúng gắn máy với 1.410 lao động. Những ngư dân khai thác hải sản bằng thuyền thúng chủ yếu đánh bắt gần bờ, hiệu quả kinh tế không cao.