Phương Thuý (38 tuổi, ở phô Hồng Mai, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, cô gặp phải khó khăn khi đăng ký sinh trắc học qua app ngân hàng. Sau khi đã quét căn cước công dân (CCCD) mặt trước, mặt sau, xác thực chip bằng công nghệ NFC, đến khâu nhận diện khuôn mặt thì cô không thể nào thực hiện được. Nghi ngờ nguyên nhân có thể liên quan đến việc năm ngoái Thuý can thiệp và chỉnh sửa trên khuôn mặt, dẫn đến việc không thể nhận diện khuôn mặt hiện tại so với CCCD gắn chip đã làm trước đó, Thuý đành phải đến trực tiếp ngân hàng để được trợ giúp.
"Năm ngoái, tôi có thực hiện tiểu phẫu nâng mũi, tiêm filler định hình dáng cằm, tiêm filler hạ gò má nên khuôn mặt có thay đổi nhiều so với ảnh trong CCCD gắn chip", Thuý chia sẻ.
Tương tự, một trường hợp bi hài khác là Mỹ Hạnh (quận 1, TPHCM) do mặt có thay đổi so với hình trên CCCD gắn chip nên khi chị thực hiện xác thực khuôn mặt qua app ngân hàng, hệ thống đã không nhận diện. Chị Hạnh cho biết, vừa qua, chị đã thực hiện cắt mí mắt và tiêm filler vào má nên khuôn mặt đầy đặn hơn so với ảnh trong CCCD.
Ông Vũ Mạnh Hưng, Giám đốc phát triển sản phẩm Ngân hàng số VPBank, cho biết, đây là vấn đề mà rất nhiều khách hàng đang gặp phải. Trên thực tế, nhiều khách hàng từng phẫu thuật thẩm mỹ như sửa mũi, cắt mí mắt, nâng cằm… dẫn đến khuôn mặt khi quét qua sinh trắc học không trùng khớp với dữ liệu đã lưu trên hệ thống dữ liệu của cơ quan công an từ thẻ CCCD, từ đó sẽ không thực hiện được lệnh chuyển tiền khi sử dụng sinh trắc học.
Hệ thống thu thập sinh trắc học hoàn toàn nhận diện được những chỉnh sửa nhỏ về phẫu thuật thẩm mỹ. Với những phẫu thuật lớn hoặc khi gặp những tai nạn không may thì việc nhận diện khá khó khăn. Với trường hợp trên, khách hàng hoàn toàn có thể đến quầy để được hỗ trợ.
Để thuận tiện, các nhà băng khuyến cáo, trong trường hợp khách hàng có phẫu thuật thẩm mỹ khuôn mặt thì sau đó cần liên hệ cơ quan công an để thay đổi dữ liệu hình ảnh trên CCCD.
Theo ông Vũ Mạnh Hưng, Giám đốc phát triển sản phẩm Ngân hàng số VPBank, bản chất của Quyết định 2345 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực (1/7/2024) không dừng giao dịch của khách hàng mà chỉ đảm bảo giao dịch trở nên an toàn hơn. Do 80%-90% giao dịch của khách hàng là giao dịch dưới 10 triệu đồng nên quyết định này sẽ không làm cản trở cuộc sống hàng ngày của mọi người.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 17h ngày 3/7, đã có 16,6 triệu tài khoản khách hàng được các ngân hàng xác thực thông tin. Con số này bằng cả 1 năm ngành ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng. Trong số này có đến 90% khách hàng chủ động xác thực trực tuyến và 10% khách hàng được hỗ trợ tại quầy.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn