Mật độ học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên tập trung trong phòng học từ 2m2 trở lên/người mới đạt mức 10 điểm, mức an toàn cao nhất. Còn dưới 2m2/người nhưng không có vách giữa các em ngồi cạnh nhau thì mức an toàn là 0 điểm.
Đó là 1 trong 10 tiêu chí thành phần trong Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM vừa ban hành.
Cụ thể, Bộ tiêu chí đánh giá an toàn có 10 tiêu chí thành phần (mỗi tiêu chí thành phần tối đa 10 điểm (mức điểm an toàn cao nhất) áp dụng riêng cho các cơ sở giáo dục mầm non và các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TPHCM.
Các tiêu chí thành phần như: số lượng; mật độ; khoảng cách trẻ, giáo viên, cán bộ, nhân viên; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn; đeo khẩu trang trong trường; kiểm tra nhiệt độ; tổ chức đi học bằng xe đưa rước; tổ chức hoạt động ăn sáng, bán trú; phòng cách ly đúng quy định và hoạt động sau 16h30 phút...
Từ bộ tiêu chí trên, sau khi chấm điểm, nếu nhà trường chỉ đạt 30% tổng số điểm thì sẽ không được tổ chức hoạt động. Từ 30 đến 50% số điểm: mức độ an toàn thấp, nhà trường phải có giải pháp đảm bảo an toàn mới được tổ chức hoạt động. Từ 50 đến 70% số điểm: có thể tổ chức hoạt động nhưng cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra để khắc phục hạn chế. Tổng điểm từ 90% đến 100%, được xếp loại mức độ an toàn rất cao, được tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, tổ chức dạy học.
Tiêu chí gây áp lực cho các trường
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) cho biết: "Việc xây dựng tiêu chí là mục tiêu tốt để chúng ta cùng nhau phòng, chống dịch bệnh tuy nhiên khi gắn điểm số vào lại gây áp lực với các trường. Bởi vì đã có tính điểm là gắn với thi đua, thực hiện được là điều không hề dễ. Hiện nay, các trường có sĩ số học sinh dao động 40 - 45 em/lớp thì nếu chia ra mỗi em 2m thì tối đa trong một phòng chỉ được 12-15 em. Bình quân một lớp học phải chia làm 3, như vậy biên chế nhân sự tăng gấp 3, ngân sách cũng tăng gấp 3.
Ngoài ra, người thầy đứng cách xa nghĩa là chỉ đứng một chỗ để giảng dạy, điều này làm giảm tương tác giữa thầy và trò. Học sinh cũng không hoạt động nhóm, thảo luận. Nếu thầy cô linh động đi lên đi xuống thì mới giám sát được lớp tốt hơn. Tiêu chí này đưa ra làm hạn chế các phương pháp giáo dục. Chưa kể học sinh rất vốn rất năng động khó kiểm soát giãn cách liên tục. Hay như phòng giáo viên là nơi thầy cô hết giờ dạy về nghỉ ngơi mà thực hiện tiêu chí này thì phải ra sân ngồi. Tôi thấy tiêu chí là tốt nhưng để thực hiện được thì không dễ".
Cùng chung quan điểm, cô Lương Du Mai, Hiệu trưởng trường THCS Cách Mạng Tháng 8, (Q.10, TPHCM) cho biết: "Trường tôi chắc chắn không đạt được tiêu chí đó và tôi cũng có tham khảo các trường khác cũng đều không đạt được. Góc độ trường tôi thì phòng nhỏ, học trò thì một lớp chỉ 25-26 em thôi nhưng thực hiện đúng tiêu chí thì trường phải tách 1 lớp thành 2 lớp và như vậy trường sẽ không đủ phòng học. Nên tôi thấy điểm đó chưa phù hợp. Chưa kể tới những trường có sĩ số lớp đông với 43-45 em/lớp thì làm sao thực hiện đúng chuẩn?".
10 tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với từng khối lớp:
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn