Đã xuất hiện ca viêm não Nhật Bản B đầu tiên

21:04 | 07/06/2016;
Trong số 2 ca viêm não Nhật Bản B đầu tiên được xác định từ đầu năm đến nay, có một ca tại BV Nhi TƯ và 1 ca tại BV tỉnh Thanh Hóa.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cho hay, BV đã ghi nhận một ca viêm não Nhật Bản B. Thời điểm này đang là mùa dịch viêm não Nhật Bản B (mùa dịch sẽ kéo dài đến tháng 8). Đây là thời điểm rất dễ gia tăng ca mắc bệnh nên người dân đề phòng với bệnh.
tiem-vx.jpg
Tiêm vaccine để phòng bệnh
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng số cả nước ghi nhận trên 215 trẻ mắc viêm não các thể, trong đó có 2 trẻ mắc viêm não Nhật Bản B. So về số mắc viêm não các thể thì số mắc năm 2016 đã giảm 44% so với cùng kỳ 2015. Gần đây nhất là năm 2014 đã có một ổ dịch viêm não Nhật Bản khá lớn ở tỉnh Sơn La.
 
Theo quy luật, mùa hè là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản B. Bệnh viêm não Nhật Bản B do virus Arbo gây ra, môi giới truyền bệnh viêm não Nhật Bản B là muỗi Culex. Do đó, mùa mưa thời tiết rất thuận lợi cho các loài muỗi phát triển, hơn nữa mùa hè nóng nực, ở nông thôn, miền núi do hiện tượng không nằm màn dễ bị muỗi đốt, vì vậy, bệnh viêm não Nhật Bản B rất có khả năng xuất hiện, bùng phát.
 
PGS.TS Trần Minh Điển cho biết thêm, bệnh viêm não Nhật Bản B gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm tỷ lệ trên 90% số ca mắc) trong đó đa số là trẻ từ 1 - 5 tuổi nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh (nếu chưa có miễn dịch). Bệnh viêm não Nhật Bản B tuy rất nặng nhưng một người, sau khi mắc bệnh viêm não Nhật Bản B khỏi thì có miễn dịch vững bền. Vì vậy, tiêm chủng vaccine viêm não Nhật Bản B là hết sức có lợi, cần thiết đối với trẻ và người lớn chưa có miễn dịch. Tiêm 2 mũi khi trẻ 1 tuổi, mũi sau cách mũi trước 2 tuần, mũi thứ 3 sau mũi 2 một năm.

Bệnh viêm não Nhật Bản B có tỷ lệ tử vong cao (khoảng từ 20 - 80%) thường gặp ở những bệnh nặng như có co giật, hôn mê sâu, nằm lâu ngày, suy kiệt, viêm phổi nặng. Ngoài ra có thể gặp một số có di chứng như động kinh.
 
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là người dân nên diệt bọ gậy, muỗi trưởng thành bằng mọi hình thức. Các biện pháp thường áp dụng là khơi thông hệ thống cống rãnh, lấp ao tù, nước đọng sau các trận mưa. Khi nằm nghỉ hay ngủ (cả ban ngày, cả ban đêm) cần nằm màn một cách tuyệt đối nhằm tránh muỗi đốt. Cần phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh viêm não Nhật Bản B để điều trị kịp thời, cho bệnh nhân nằm màn tuyệt đối không để muỗi đốt, hút máu và truyền bệnh cho người lành. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn