Nói về vụ gian lận điểm thi gây rúng động dư luận tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, bên hành lang Quốc hội sáng 21/5, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội (Quốc hội) cho rằng, có 3 chủ thể phải chịu trách nhiệm về vụ việc.
Một là học sinh và cha mẹ học sinh, cha mẹ biết rõ năng lực của con nhưng vì muốn cho con thi đậu nên đã tìm cách “chạy chọt” cho con mình.
Thứ hai là nhà trường và giáo viên, nếu gia đình có nguyện vọng đề xuất việc “chạy chọt” cho con em nhưng giáo viên không đồng lõa mà để học sinh thi đúng năng lực thì sẽ xảy ra vụ việc gian lận như vừa qua. Ở đây thậm chí giáo viên còn nhận tiền để nâng điểm.
Thứ ba là trách nhiệm của địa phương, cơ quan quản lý giáo dục, địa phương phải vào cuộc để tổ chức tốt kỳ thi, tạo sự khách quan, công bằng. "Khi phát hiện các trường hợp gian lận, các cháu đương nhiên bị đuổi khỏi trường nhưng quan trọng hơn là phải tạo cơ hội cho các cháu có số điểm cận kề, như vật mới là sự công bằng xã hội và công bằng trong giáo dục" - ông Lợi nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bùi Sĩ Lợi, sẽ rất "oan nếu đổ hết mọi trách nhiệm lên ngành giáo dục về vụ gian lận thi cử này. "Ngành Giáo dục có ông Bộ trưởng nào, ông Hiệu trưởng bảo là phải nâng điểm đâu! Đây chỉ là ngấm ngầm trong 3 đối tượng: người đi thi muốn đỗ, người kiếm tiền lợi nhuận từ việc này và người không kiểm soát tốt" - ông nói.
Liên quan đến việc xử lý các địa phương, ông Bùi Sĩ Lợi cũng cho rằng vụ việc gian lận thi cử ở 3 địa phương đã diễn ra từ năm 2018, việc xử lý, trong đó có một điểm chưa kết luận được là chậm, trong khi mùa thi mới sắp đến, gây lo lắng không cần thiết cho dư luận.
"Ở đây chúng ta phải làm rõ để rút kinh nghiệm. Vì thế, theo tôi, chúng ta không nên phải bí mật, phải giấu diếm gì việc này cả, cần phải công khai, minh bạch để các em học sinh thấy rõ rằng, các em cần có lòng tự trọng trong quá trình học tập, đây chính là triết lý để dạy học sinh - tạo cho các em sự tự trọng" - ông Lợi nhấn mạnh.
Đối với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, ông Bùi Sĩ Lợi đề nghị trước hết phải xem xét trách nhiệm quản lý nhà nước, cần làm rõ việc tổ chức triển khai công tác thi cử đã quán triệt hết chưa, khi tổ chức thi có thanh tra, kiểm tra, xem xét không; quá trình chấm thi tổ chức giám sat ra sao… Nếu làm chưa tốt đó là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đặc biệt là về trách nhiệm quản lý - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho hay.