Đại biểu đề nghị giảm giá xăng, Bộ trưởng Tài chính nói gì?

15:16 | 02/06/2022;
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, cần ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng và thúc đẩy nguồn cung xăng dầu trong nước.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và cụ thể là vấn đề giá xăng dầu thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, với những nguyên liệu chúng ta phụ thuộc ở nước ngoài thì chúng ta phải theo dòng chảy, theo sự tác động của nước ngoài. Ví dụ như thép, xăng dầu…

Giải pháp chống lạm phát của chúng ta hiện nay ngoài vấn đề tập trung về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý giá thật tốt thì một vấn đề hết sức quan trọng là phải tăng năng lực sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Có nhiều ý kiến cho rằng cần phải giảm giá xăng dầu. Chúng tôi cũng xin giải trình như sau: Việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu là một trong nhiều giải pháp, muốn giảm giá xăng dầu chúng ta phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Ví dụ như thuế ở trong giá xăng dầu của nước ngoài chiếm từ 45- 60%, nhưng đối với đất nước ta ít hơn, từ 29-31%. Ngoài ra, còn một số loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và một số thuế khác… thì thẩm quyền của Quốc hội.

Cho nên, chúng tôi kiến nghị giải pháp là phải tính đến vấn đề chống buôn lậu, bởi vì giá của chúng ta so với giá xăng bên Lào hiện nay chênh nhau 11.000 đồng, giá Campuchia cũng chênh 3.000 đồng, giá của Thái Lan cũng chênh, cho nên không cẩn thận khi giá của chúng ta thấp thì dòng buôn lậu xăng dầu lại chạy sang bên kia. Chúng ta giảm bên này thì sẽ khó khăn.

Tiếp đó, phải thúc đẩy nguồn cung. Vấn đề xăng, dầu là phải cung - cầu, bây giờ chúng ta mới tập trung làm thế nào để nâng được công suất của 2 nhà máy chế biến xăng, dầu của ta tại Dung Quất và tại Nghi Sơn. Như vậy, hai nhà máy này sẽ cung ứng phần lớn vấn đề xăng, dầu.

Đại biểu đề nghị giảm giá xăng, Bộ trưởng Tài chính nói gì? - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV diễn ra ngày 2/6

"Bán nhà 10 tỷ, kê khai 500 triệu đồng"

Về vấn đề siết thu thuể chuyển nhượng bất động sản, Bộ Trưởng thông tin: "Có trường hợp người nộp thuế kê khai giá tính thuế chỉ 500 triệu đồng, nhưng họ bán bất động sản giá 10 tỷ đồng, tức kê khai thấp hơn 20 lần. Thậm chí có trường hợp kê khai thấp hơn 40 lần, còn bình quân giá kê khai thấp hơn 6 lần giá thực tế chuyển nhượng".

Hiện theo quy định, việc kê khai tính thuế là giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi theo giá trong hợp đồng. Nếu hợp đồng không ghi giá, hoặc thấp hơn giá đất Nhà nước, giá tính thuế sẽ theo khung nhà nước.

Việc người bán kê khai thuế thấp cũng là một trong những hành vi trốn thuế. Do vậy, việc siết chặt thu thuế chuyển nhượng bất động sản, ông nói, là đúng luật.

Theo số liệu của ngành tài chính, 5 tháng đầu năm nay tổng thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản khoảng 16.200 tỷ đồng, vượt thu cùng kỳ năm ngoái 6.600 tỷ đồng.

Trước lo ngại của nhiều đại biểu việc siết thuế này sẽ tạo điều kiện cho cán bộ thuế nhũng nhiễu, ông Hồ Đức Phớc nói đã có nhiều chỉ đạo cấm cơ quan thuế gây phiền hà cho người dân. Khi giám sát, nếu có tình trạng cơ quan thuế có lót tay, trục lợi, nhận hối lộ, ông nói sẽ xử lý nghiêm.

"Sắp tới, chúng tôi đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh, dữ liệu bất động sản để minh bạch, đảm bảo vấn đề thu thuế chuyển nhượng bất động sản", ông Phớc nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn