Nhiều năm là ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc Hội, và năm nay trở thành thành viên của Hội đồng Giáo dục quốc gia, ông Dương Trung Quốc chia sẻ, ông luôn theo dõi mọi thăng trầm của lĩnh vực này. “Giáo dục và y tế có vị trí đặc biệt, tác động đến đời sống xã hội, phản ánh bản chất xã hội. Vì thế, lĩnh vực này chịu áp lực không nhỏ” – ông Quốc nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo ông, dường như các nhà quản lý giáo dục vẫn mải quan tâm đến nhà trường, xã hội. Nguồn nhân lực và thị trường là rất đúng, gắn kết nhà trường với xã hội. Nhưng có một chiều khác mà chúng ta không nói đến, đó là sự hội nhập với thế giới, thế giới đang chuyển động theo hướng khoa học công nghệ cao, gắn với cách mạng công nghiệp 4.0.
“Giáo dục qua công nghệ là điều mà tôi thấy chưa được quan tâm. Chúng ta rất ít hoặc không tổ chức, định hướng cho các cháu tạo thành các nhóm. Có một hình thức mới là Co – working trên thế giới đang rất phổ biến. Đó là doanh nghiệp tạo ra không gian, nhất là hạ tầng kỹ thuật để bạn trẻ đến thuê, tập hợp với nhau, tự tìm nhóm với nhau để làm việc. Ở đó có những người đi săn lùng ý tưởng, khi thấy ý tưởng tốt, họ sẵn sàng đầu tư. Khởi nghiệp là thế!” – ông dẫn chứng.
Một điều khiến đại biểu Dương Trung Quốc trăn trở đó là mọi đổi mới giáo dục hiện nay vẫn chuyển động theo kiểu chỉ muốn làm nhanh chứ không phải muốn có bước xoay chuyển cơ bản về nhận thức.
“Đơn giản như câu chuyện có nên học bơi trong nhà trường trong dự thảo Luật Thể thao đưa ra sáng nay. Rõ ràng bơi là kỹ năng sống rất cần thiết với trẻ, nhưng cứ đưa vào luật là phải thành chương trình giảng dạy, đi cùng đó là đội ngũ giáo viên, hạ tầng cơ sở vật chất. Trong khi quan trọng nhất là làm thế nào để học sinh biết bơi. Ta vẫn tư duy theo lối nhà trường” – ông nhìn nhận.
Theo ông Dương Trung Quốc, điều mà ông mong muốn là ngành giáo dục phải thay đổi tư duy, đừng nên tìm những hình mẫu xưa từ trường này trường kia, phấn đấu bằng tốp này tốp kia hay quá chú trọng đến bằng cấp.
“Bằng cấp quan trọng nhưng không phải là tất cả. Tại sao các doanh nghiệp nước ngoài rất “khôn”, họ chỉ cần thông qua phỏng vấn để biết được năng lực của ứng viên đến đâu, phù hợp với nhu cầu của họ không. Trong khi đó, chúng ta cứ mải bàn về những vấn đề phong GS, đội ngũ GV, sách giáo khoa… Cái mà ta cần chú trọng, theo tôi đó là tạo kỹ năng mềm, tạo môi trường sinh hoạt, và tạo ra cơ hội để người học có thể học tập suốt đời, học mọi nơi chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường, học những điều mà xã hội cần, và học tập suốt đời” – Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết.
Đối với sự thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó hướng đến kỹ năng, xem người học là trung tâm, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng nguyên lý này là không sai, nhưng để hiện thực hóa thì còn phải khắc phục rất nhiều vấn đề, trong đó mấu chốt phải là vấn đề về giáo viên.
“Chất lượng giáo viên theo mức quá cũ rồi, liệu phải thay đổi như thế nào để đáp ứng nhu cầu đào tạo mới. Giáo viên không phải được quan niệm là người truyền đạt kiến thức nữa mà là người hướng dẫn cho học sinh phương pháp để các em có sự tiếp cận kiến thức tốt nhất. Có như thế trò mới có thể giỏi hơn thầy cô nếu biết cách khai thác kiến thức, thậm chí các em có thể đi xa hơn thầy” – ông khẳng định.
Ông cũng khẳng định rằng, mọi đổi mới về giáo dục là điều cần phải làm, không hể chần chừ được nữa. Tuy nhiên không thể đòi hỏi ngay một lúc.
“Tất cả phải trên cơ sở có bước đi, thậm chí phải chấp nhận trả giá, chứ cái gì cũng muốn hoàn thiện ngay thì rất khó. Dĩ nhiên ngành giáo dục đừng nên biến con em mình thành chuột bạch, nhưng chắc chắn là chúng ta phải tiến lên phía trước, không thể đứng một chỗ được nữa!” – ông cho hay.