Vấn đề giáo dục mầm non được khá nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội sáng nay 6/6. Trước phat biểu của ông Nhạ về giáo dục mầm non khi được UNICEF đánh giá cao, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho hay, ai đánh giá cao thì ông không rõ nhưng hạn chế của ngành này thì rất nhiều.
“Nóng và gây bức xúc nhất là quy mô phát triển không đồng đều ở các vùng miền. Chất lượng không ổn định, nguồn lực đầu tư cho giáo dục thấp nhất trong ngành, cơ sở trường lớp, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu”, đại biểu Phong nói.
Ông dẫn chứng, tỷ lệ chi cho giáo dục mầm non Nhà nước chỉ 39%, gia đình 61%. Khi các cháu vào học mầm non, gia đình phải đóng góp nhiều nhất so với các cấp học khác. “Như vậy mà mầm non được đánh giá cao thì tôi cũng không hiểu thế nào. Tôi mong rằng Bộ trưởng xem xét và có giải pháp cho vấn đề này”, ông Phong thắc mắc.
Về điều này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận giáo dục mầm non đang có nhiều vấn đề nổi cộm, gây bức xúc dư luận. Trong đó có tình trạng “bắt đầu xuất hiện số giáo viên mầm non bạo hành trẻ. Đặc biệt là ở các cơ sở đào tạo mầm non tư thục. Có những trường hợp bạo hành mà báo chí không thể chấp nhận được với thuần phong mỹ tục”, ông Nhạ cho hay.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, ông rất phản đối và đã có những chỉ đạo, kiên quyết những giáo viên này phải đưa ra khỏi ngành ngay, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra bạo hành, sẽ đình chỉ và thậm chí giải thể, đóng cửa.
Tới đây, để thực hiện một cách căn cơ có nhiều giải phải, chúng tôi tính toán căn cơ nhất là đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải được quy hoạch đào tạo bài bản thường xuyên và có chế độ hợp lý. Hiện, chế độ giáo viên mầm non thấp quá, theo quy định các cô ra trường hệ trung cấp có 2,4 triệu đồng như thế thì rất khó khăn.
“Chúng tôi cũng đã trao đổi với Bộ Nội vụ để có chế độ tốt nhất cho giáo viên mần non, ngoài ra cũng nâng cao chất lượng vật chất trường lớp”, ông Nhạ đề xuất.
Trước băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn ĐBQH Tiền Giang) về đề xuất gửi trẻ mầm non từ 3 tháng tuổi, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết đây là điều đang đặt ra do yêu cầu của thực tế.
“Chúng tôi rất quan tâm đến đối tượng này, đặc biệt là các khu chế xuất, khu công nghiệp. Hiện nay 16 tỉnh có khu công nghiệp, nhiều phụ nữ có chế độ nghỉ thai sản 6 tháng nhưng công nhân thì chỉ 3 tháng thôi, 3 tháng còn lại không biết ai trông. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu để tạo điều kiện chăm nom cho các đối tượng đặc biệt khó khăn, nhất là từ 3 tháng tuổi”, ông Nhạ cho hay.