Đại biểu quốc hội: ‘Công ty nước sạch sông Đà quá coi thường người dân!’

12:18 | 22/10/2019;
Cho rằng Công ty nước sạch sông Đà thiếu trách nhiệm và thậm chí coi thường tính mạng của người dân, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội ủng hộ việc có thể khởi kiện công ty này và yêu cầu bồi thường.

Liên quan đến vụ nước nhiễm dầu thải của công ty nước sạch sông Đà, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng đã có những chia sẻ về quan điểm của mình xung quanh vụ việc. Theo ông. Bộ luật Hình sự đã quy định xử lý pháp nhân nên nếu Công ty nước sạch sông Đà vi phạm nghiêm trọng có thể xử hình sự. Người dân có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường.

Ông Hồng nhấn mạnh, nguồn nước tuy không nằm trong phạm trù anh ninh quốc gia, nhưng an ninh nguồn nước lại tác động lớn đến anh ninh quốc gia. Tuy vậy, trách nhiệm của các bên liên quan và doanh nghiệp trực tiếp gây ra việc nước nhiễm bẩn, lại thể hiện sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm của mình khi an ninh nguồn nước bị đe dọa.

“Hai chữ “trách nhiệm” vẫn luôn ẩn khuất ở đâu đó, không rõ ràng, chỉ quy vào tập thể và không giải quyết được căn cơ các vấn đề liên quan” – ông Hồng nhận định.

Ông Nguyễn Thanh Hồng nêu quan điểm về vụ nước thải nhiễm dầu. Ảnh: VPQH 

Phân tích cụ thể, ông Hồng cho biết, rõ ràng người đứng đầu địa phương, ở đây là Chủ tịch UBND Hà Nội, phải vào cuộc ngay tức thì để đảm bảo sinh hoạt cho người dân, thay vì để sự cố lan rộng và xáo trộn không nhỏ đến đời sống. Thậm chí một số người còn lợi dụng sự cố này để đầu cơ… Trong khi đó, đối với Hòa Bình, chính quyền cũng phản ứng chậm trễ.

Đặc biệt ông Hồng nhấn mạnh đến sự vô trách nhiệm của công ty nước sạch sông Đà. Ông yêu cầu cần xem xét lại quy định với một doanh nghiệp cung cấp mặt hàng thiết yếu theo hướng cụ thể về việc cam kết đảm bảo chất lượng nguồn nước trong hợp đồng. Ví dụ nước đảm bảo chất lượng mới trả tiền, nếu không anh phải đền bù thiệt hại.

“Qua báo chí phản ánh, tôi được biết doanh nghiệp này có doanh thu lợi nhuận tốt. Nhưng họ nói như vậy thể hiện sự vô tâm, thậm chí là nhẫn tâm. Đây là lúc doanh nghiệp phải cúi đầu nhận lỗi, nhưng họ lại có thái độ coi thường người dân là không thể chấp nhận được” – ông Hồng bức xúc.

Theo ông, với vi phạm của doanh nghiệp, Bộ luật Hình sự đã quy định về xử lý pháp nhân, nên có thể nghiên cứu, xem xét doanh nghiệp vi phạm đến mức nào, nặng có thể xử lý hình sự, hoặc người dân có thể khởi kiện dân sự doanh nghiệp đó và yêu cầu bồi thường.

Trong trường hợp này, có thể không xác định được thiệt hại vật chất, nhưng buộc doanh nghiệp phải xin lỗi và có động thái chia sẻ với người tiêu dùng. Công ty nước sạch sông Đà đã vi phạm hợp đồng vì khi sự cố xảy ra, xử lý không đảm bảo, không kịp thời, biết thế mà vẫn cấp nước cho người dân sử dụng.

Từ vụ việc này, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng trước hết cần phải có quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ nguồn nước, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Đặc biệt, phải có cơ chế xử lý kịp thời khi các sự cố xảy ra, đề phòng đến hoạt động phá hoại, đưa chất độc hại vào nguồn nước. Có như vậy khi xảy ra sự cố mới có phương án xử lý hiệu quả.

Nói về việc khởi kiện công ty, ông Hồng khẳng định dân cần được đền bù thiệt hại. Bản thân ông ủng hộ phương án đưa doanh nghiệp này ra tòa. Người dân có thể khởi kiện về dân sự. Hội Bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội phải đứng ra khởi kiện, giống như vụ Vedan xả thải gây ô nhiễm ở Đồng Nai trước đây.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn