Đại biểu Quốc hội đề nghị để phạm nhân nữ được lựa chọn việc hướng nghiệp, học nghề

15:15 | 03/06/2022;
Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đề nghị, cần có quy trình lựa chọn mở với phạm nhân nữ, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, đang mang thai… khi lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, ngày 3/6, tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đề nghị chỉ nên quy định thời gian thực hiện thí điểm 03 năm. Như vậy sẽ đảm bảo thống nhất với Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và đảm bảo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác này trong thời gian vừa qua; đảm bảo tính nhân văn.

Đại biểu đề nghị, quy định thêm quy trình lựa chọn đối với phạm nhân là phụ nữ, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, đang mang thai ra lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam. Theo đó, quy trình lựa chọn theo hướng mở, nếu đủ điều kiện và tự nguyện thì được tham gia học nghề, lao động, nhưng nếu chưa sẵn sàng thì không phải tham gia, nhằm tạo điều kiện cho họ có sự lựa chọn trên tinh thần tự nguyện, tạo điều kiện chăm sóc con, chăm sóc sức khỏe khi đang mang thai.

Đại biểu Quốc hội đề nghị để phạm nhân nữ được lựa chọn việc hướng nghiệp, học nghề - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm đến dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị, cần cân nhắc đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên lao động hướng nghiệp và học nghề ngoài trại giam.

Để triển khai Nghị quyết có hiệu quả, đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu đề nghị Chính phủ giao cho công an kịp thời rà soát các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, có ngành nghề phù hợp, hợp tác với trại giam, chủ động đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo khu quản lý giam giữ phạm nhân an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức, lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài xảy ra.

Làm sao để "đường về nhà của phạm nhân ngắn lại"?

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, việc dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam sẽ giúp con đường trở về nhà của phạm nhân ngắn lại.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, rất cần thiết phải tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Đây là việc làm không chỉ cần thiết đối với việc cải tạo phạm nhân mà còn rất cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau này. Theo thống kê thì trong số phạm nhân hiện đang chấp hành án phạt tù có tới 67% mới chỉ học hết cấp 1, cấp 2, cá biệt có 4,7% không biết chữ 54%, trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lao động tự do. Do đó, nếu như không tổ chức tốt việc lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn.

Đại biểu Quốc hội đề nghị để phạm nhân nữ được lựa chọn việc hướng nghiệp, học nghề - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến e ngại là việc tổ chức cho phạm nhân lao động học tập, học nghề ngoài trại giam thì có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn. Do đó, cần thiết để Bộ Công an triển khai một cách chặt chẽ nếu được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, không vì e ngại mà chúng ta bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân được cải tạo thông qua lao động.

Ngoài ra, một trong những chính sách rất nhân văn đối với phạm nhân đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2018, đó là chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo đó, phạm nhân chỉ cần chấp hành được 1 phần 2 thời hạn tù có ý thức cải tạo tốt và đáp ứng một số điều kiện khác có thể được tha tù sớm để tự cải tạo xã hội. Do đó, việc hướng nghiệp ở ngoài trại, dưới sự quản lý chặt chẽ của trại giam thì cũng cần thiết được đặt ra và bước đầu cho phép thí điểm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn