Chiều 22/5, Quốc hội đã thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Hà Nội - đã góp ý về nội dung đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông.
Cụ thể, đại biểu Trí đề nghị bổ sung một nội dung như sau: "không được để trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ trường hợp xe chỉ có một hàng ghế".
Ông Nguyễn Anh Trí phân tích lý do vì sao "không được để trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét ngồi cùng hàng ghế với người lái xe ô tô". Đại biểu nàybdẫn chứng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả trẻ em, bất kể độ tuổi hay chiều cao, nên được ngồi ở ghế sau của xe ô tô khi tham gia giao thông. Vì vị trí ngồi sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ em, giảm nguy cơ bị thương so với việc để trẻ ngồi ở vị trí cùng hàng ghế với người lái xe. Đặc biệt, khi dùng thiết bị an toàn, nguy cơ gây chấn thương cho trẻ ngồi ghế sau giảm được 14% so với trẻ ngồi ghế trước.
Vị trí ngồi cùng hàng với người lái là vị trí nguy hiểm nhất trên xe ô tô. Đặc biệt, ngay khi túi khí bung ra, cũng có thể gây thương tích nghiêm trọng ở đầu và cổ cho trẻ em kể cả khi trẻ ngồi trong thiết bị an toàn và quay mặt về phía sau. Nhiều hãng xe cũng thường xuyên khuyến cáo về việc không nên cho trẻ em ngồi ở hàng người lái. "Đến năm 2023, 115 nước đã có luật cấm trẻ ngồi ghế trước, trong đó 70 nước cấm hoàn toàn và 45 nước cấm trẻ em ngồi ghế trước nếu không ngồi trong thiết bị an toàn trên xe ô tô" - đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Tiếp đó, đại biểu này cũng đề nghị bỏ nội dung "mà không có người lớn ngồi cùng" tại khoản 3 Điều 11.
Khoản 3 Điều 11 đề cập đến nội dung cần phải có thiết bị an toàn cho trẻ em ở trên ô tô và xe máy. Đại biểu Trí chỉ rõ, cách viết này sẽ gây hiểu lầm rằng dây đai an toàn/thiết bị an toàn sẽ không cần dùng nếu có người lớn ngồi cùng trẻ.
"Luật không nên dùng từ mập mờ, cách hiểu khác nhau. Người lớn ngồi cùng không thể thay thế thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô vì dây đai an toàn chỉ phù hợp với kích thước của người lớn và trẻ em từ 10 tuổi và cao 1,35 mét trở lên. Khi xảy ra va chạm, lực quán tính và tình huống bất ngờ có thể khiến người lớn không thể giữ chặt trẻ dẫn tới việc trẻ bị văng khỏi ghế, va đập và bị thương nghiêm trọng", ông Nguyễn Anh Trí giải thích.
Về giáo dục kiến thức pháp luật giao thông và trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng - cho biết, tại Điều 7 dự thảo Luật, các khoản 1, 2, 4 đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, kết hợp lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường từ bậc Mầm non trở lên.
Tuy nhiên, để đồng bộ giữa kiến thức pháp luật và kỹ năng thực hành, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị Ban soạn thảo bổ sung việc hướng dẫn kỹ năng lái xe đạp an toàn cho học sinh Tiểu học, kỹ năng lái xe đạp điện an toàn cho học sinh THCS vào quy định tại Khoản 3, Điều 7.
Đồng tình với việc bổ sung quy định bảo vệ trẻ em, người già, người khuyết tật khi tham gia giao thông, tuy nhiên, đại biểu Trần Công Phàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương - cho rằng, cần làm rõ khái niệm "người lớn" tham gia dẫn dắt trẻ em dưới 7 tuổi qua đường. Đại biểu đặt câu hỏi, thế nào là "người lớn"? Vì thế, đại biểu Phàn đề nghị nên cân nhắc và quy định người có đủ năng lực hành vi dân sự và quy định rõ độ tuổi trong luật tham gia dẫn dắt trẻ em dưới 7 tuổi qua đường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn