Đại biểu Quốc hội đề nghị xử nghiêm vụ để lọt đề thi vào lớp 10 ở Hà Nội

14:33 | 08/06/2018;
Việc để lọt đề thi ra ngoài ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của phụ huynh, học sinh. Ngành giáo dục Hà Nội cần quản lý chặt chẽ hơn vấn đề này.

Bên lề hành lang Quốc hội sáng 8/6, đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, việc để lọt đề thi ra ngoài liên quan đến quá trình bảo mật trong kỳ thi. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của phụ huynh, học sinh, đồng thời gây ra sự nghi ngờ trong dư luận về việc tổ chức kỳ thi và tính bảo mật của kỳ thi chưa thực hiện tốt.

Ông Thắng cho rằng, qua sự việc này, ngành giáo dục Hà Nội cần phải rút kinh nghiệm, tăng cường phổ biến quy chế thi một cách rộng rãi. Bên cạnh đó, cần có sự giám sát chặt chẽ để các giám thị không có những vi phạm trong quá trình tổ chức trông coi thi.

dai_bieu_pham_tat_thang_orjl.jpg
Đại biểu Phạm Tất Thắng. Ảnh: VOV

 

“Ngành giáo dục phải đối chiếu và xem lại quy chế, nếu vi phạm ở mức độ nào thì phải có quy định xử lý đến đó; Đồng thời phải công bố rộng rãi kết quả xử lý để có tính chất răn đe, cảnh báo rút kinh nghiệm để làm tốt hơn ở những kỳ tuyển sinh sau” - ông Phạm Tất Thắng cho biết.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), do lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nên vẫn có những đối tượng giáo viên, người quản lý để lộ, lọt đề thi ra ngoài.

vov_dai_bieu_nguyen_ngoc_phuong_zhmz.jpg
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: VOV

 

Ông Phương cho rằng, chuyện lộ, lọt đề thi ảnh hưởng lớn đến học sinh và phụ huynh. Bởi nếu để lộ, lọt đề thi thì tính minh bạch, công bằng trong kỳ thi sẽ không còn. Bên cạnh đó, áp lực thi trong những năm có lượng thí sinh đông như năm nay khiến nảy sinh tiêu cực trong phụ huynh học sinh như chạy trường, chạy lớp, chạy điểm.

Vì vậy, người đứng đầu ngành giáo dục, các sở, Bộ GD-ĐT, các phòng giáo dục cần phải quản lý chặt chẽ, từ khâu ra đề, quản lý đề thi mới hạn chế được hiện tượng tiêu cực này.

_dsc9125.JPG
Học sinh thi vào lớp ngày 7/6. Ảnh minh họa: Nhật Minh

 

“Những học sinh giỏi không được đứng vào vị trí đáng ra phải được xếp hạng, trong khi học sinh yếu, trung bình lại được đứng vào vị trí đó, gây ra tính bất bình trong xã hội, tạo dư luận xấu đối với giáo dục. Ngành giáo dục phải hết sức quan tâm trong vấn đề thi cử, đặc biệt là vấn đề ra đề thi, quản lý chặt chẽ trong việc chọn người ra đề, tổ chức người quản lý đề thi” - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn